Lưu trữ

Archive for 13/12/2010

Phản biện

Tôi không biết ở Việt Nam chữ “phản biện” xuất hiện từ lúc nào và ai là người đầu tiên dùng chữ ấy. Tôi chỉ đoán là nó có lịch sử không lâu lắm. Và nó được ra đời, trước hết, không phải trong lãnh vực chính trị, bởi, trước khi nó trở thành thịnh hành với những trang báo mạng kiểu bauxite Việt Nam với tiêu đề “Tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức” thì nó đã được sử dụng khá nhiều trong lãnh vực giáo dục với những “giáo sư phản biện” và “Hội đồng phản biện”.

Tôi rất thích cái chữ phản biện ấy.

Phản biện là dùng lý lẽ để chống lại một cái gì đó. Ở đây có hai điểm: chống và lý lẽ. Như vậy, sự chống đối ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi tư tưởng và học thuật. Nó không có tính bạo động và cũng không nhắm đến bạo động. Những lời cáo buộc mà một số chính quyền độc tài thường sử dụng đối với những người phản biện chỉ là một lối vu khống.

Hơn nữa, “cái gì đó” trong định nghĩa trên không phải bao hàm con người hay sản phẩm (bất kể loại gì) của con người. Phản biện khác với chỉ trích: Chỉ trích nhắm vào người. Phản biện cũng khác với phê bình hay phê phán: Ở cả hai từ này, đối tượng có thể là người mà cũng có thể là vật thể (ví dụ tác giả và tác phẩm của họ).

Phản biện chủ yếu là chống lại một luận điểm. Nhưng phản biện lại khác với biện bác. Biện bác nhắm, trước hết, đến sự bác bỏ. Biện luận để bác bỏ. Sự bác bỏ là chủ đích, là mục tiêu duy nhất. Nó có tính cách tiêu cực. Người ta nói hay hay dở, đúng hay sai mặc kệ: người biện bác chỉ khăng khăng tìm cách phủ nhận. Phản biện thì khác. Nó chống đối một luận điểm bằng cách đề xuất một cách nhìn hay một góc nhìn khác để, thứ nhất, người bị phản biện phải cố gắng chứng minh quan điểm của mình là đúng đắn nhất, và thứ hai, để mọi người có thể lựa chọn.

Như vậy, phản biện được xây dựng trên tinh thần đối thoại, và do đó, có tính tích cực và xây dựng.

Ví dụ: đọc một luận án của ai đó, người phê bình chỉ cần nêu lên nhận xét về những cái đúng, cái sai và những cái hay cũng như những cái dở, nhưng không cần thiết phải đề nghị một giải pháp hay một quan điểm khác; người biện bác thì chỉ chăm chăm bác bỏ tất cả những gì người viết nêu lên. Còn người phản biện thì sẽ nói, chẳng hạn: với những cứ liệu mà anh/chị tập hợp được, tôi nghĩ có thể đặt ra giả thuyết như thế này; một giả thuyết có thể khác với những gì anh/chị vừa đề xuất. Bây giờ, xin anh/chị hãy chứng minh là giải pháp của anh/chị thực sự là một giải pháp tối ưu.

Nhắc đến chữ “tối ưu”, tôi sực nhớ đến một bài viết ngắn rất xuất sắc của Giáo sư Phạm Quang Tuấn ở Úc. Bài viết hay đến độ tôi muốn trích toàn văn để chia sẻ với bạn đọc: Xem chi tiết…

Linh mục dẫn giáo dân Thái Nguyên diễn hành đòi đất, tài sản

Cồn Dầu: Nhà cầm quyền lập ra ‘Ban Hành Giáo’ mới

THÁI NGUYÊN (TH) – Suốt nửa tháng trời đội mưa, đội sương và khí lạnh, giáo dân ở thành phố Thái Nguyên vẫn nhất quyết đòi nhà cầm quyền địa phương giải quyết chuyện tài sản của Giáo hội Công giáo địa phương bị tước đoạt.

Theo bản tin của báo công giáo Nữ Vương Công Lý, dù nhà cầm quyền không giải quyết và tránh mặt, giáo dân vẫn chầu chực, ăn ngủ ngay trước cơ quan nhà nước.

“Sau 14 ngày tập trung trước cơ quan tiếp dân của UBND Tỉnh Thái Nguyên chờ chủ tịch tỉnh như đã hẹn nhưng không hề được gặp, bà con giáo dân vẫn kiên trì chờ đợi tại chỗ, ăn, ngủ ngay tại vỉa hè trước cơ quan này bất chấp rét mướt, mưa gió vất vả. Tất cả giáo dân đồng tâm hiệp sức nhau quyết đòi được công lý sau khi đã trải qua một thời gian hai mươi năm với đủ loại lời hứa hẹn.” Bản tin NVCL kể như vậy hôm Chủ Nhật về cuộc biểu tình tuần lành của giáo dân với sự có mặt của vị linh mục quản nhiệm cộng đoàn địa phương.

(Hình bên: Linh mục quản xứ đi diễn hành cùng với giáo dân trong cơn mưa. (Hình: Nữ Vương Công Lý)

*

Theo nguồn tin: “Trụ sở tiếp dân đã đóng cổng trước, tất cả các cán bộ, nhân viên đi làm bằng cửa sau. Lực lượng công an, an ninh chìm nổi liên tục đeo bám, theo dõi những ai đến thăm bà con và giáo xứ, hạch hỏi những người từ xa đến. Nhưng không ai tỏ vẻ sợ hãi như trước đây, tất cả giáo dân đã hiểu được mình có quyền gì, không còn như thời kỳ công an trị bất chấp pháp luật trước đây.”

Dù không có mặt bất cứ quan chức địa phương nào, “ngày 11 tháng 12, 2010, tại Thái Nguyên trời mưa như đổ nước nhưng bà con vẫn căng lều ngồi cầu nguyện và chờ đợi tại chỗ. Tối Thứ Bảy ngày 11 tháng 12, 2010, sau Thánh lễ, Linh Mục Fx. Nguyễn Ðức Ðại đã dẫn đầu khoảng 400 giáo dân cầm nến đi bộ từ nhà thờ qua các con phố đến nơi giáo dân đang nằm chờ trước trụ sở tiếp dân để thăm hỏi động viên bà con trong gian khổ vì Công lý- Sự thật và vì một “Nhà nước pháp quyền.” Toàn thể giáo dân đang nằm chờ ở đó và bà con giáo dân đến thăm hỏi đã cùng đọc kinh, cầu nguyện cho Sự thật-Công Lý được thể hiện.”

Nguồn tin nói rằng: “Tinh thần giáo dân hết sức phấn khởi và vững vàng.”

Ðất của nhà xứ Thái Nguyên đã bị nhà cầm quyền địa phương tự ý cắt bán cho tư nhân khai thác thương mại, bất chấp sự phản đối.

Xem chi tiết…

Việt-Trung đàm phán kín về Biển Đông

Ngư dân Việt Nam

Trong suốt năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều vòng đàm phán kín về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post – SCMP) bằng tiếng Anh xuất bản tại Hong Kong trích nguồn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay đã có bốn vòng đàm phán giữa quan chức hai bên và vòng thứ năm sẽ diễn ra trong tháng 12 này.

Tuy nhiên, SCMP nói phía Bắc Kinh kiên quyết không bàn về quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn từ năm 1974.

Một quan chức Việt Nam giấu tên cho rằng đây chính là một trong những điểm khó giải quyết nhất trong tranh chấp lãnh thổ vì “Trung Quốc luôn nói rõ là quần đảo này thuộc về Trung Quốc và không có gì để thương lượng cả”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam khi trả lời SCMP đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đàm phán song phương và khu vực khi giải quyết các vấn đề nhạy cảm này.

Trung Quốc và Việt nam cùng nhận toàn bộ các quần đảo này trong khi Malaysia, Philippines và Brunei nhận một phần trong quần đảo Trường Sa. Đài Loan nhận những phần mà Trung Quốc cũng nhận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, nói các vòng đàm phán song phương được tổ chức nhằm tìm kiếm thỏa thuận về các “nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết các vấn đề trên biển”.

Bà Nga nói hai bên đã đạt được hiểu biết nhất quán rằng giải pháp cơ bản và lâu dài về Biển Đông phải đạt được qua “đàm phán hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau”.

Phát ngôn nhân ngoại giao Việt Nam cũng nhắc lại chủ quyền “không thể chối cãi” của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Xem chi tiết…

Hà Nội và Mỹ đối thoại nhân quyền

Đại sứ Michalak hài lòng về quan hệ quốc phòng nhưng ‘tiếc cho tình trạng nhân quyền’ của Việt Nam 

Giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu đối thoại hàng năm về nhân quyền hôm thứ Hai, vài ngày sau khi đại sứ Mỹ ở Hà Nội ‘tỏ ý tiếc cho tình trạng nhân quyền ở Việt Nam”.

Đại diện phía Mỹ là phụ tá ngoại trưởng lo về nhân quyền và lao động, Michael Posner, đã hội đàm với thứ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tại một cuộc họp báo tuần trước nhân ngày Nhân quyền Quốc tế, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak nói nước ông vẫn lo ngại về thực trạng nhân quyền của Việt Nam.

Đại sứ Mỹ ghi nhận trong năm 2010, “hơn 24 người bị bắt, và 14 người khác bị kết án vì biểu lộ quan điểm theo phương cách hòa bình”.

“Không ai lại phải bị vào tù chỉ vì bất đồng với chính sách chính phủ, hay bị gán nhãn khủng bố vì muốn đóng góp thêm vào việc hoạch định chính sách,” đại sứ Mỹ viết trên trang web của sứ quán.

Ông Michalak gọi năm 2010 là năm chứng kiến “sa sút lớn về tự do internet”. Ông trích dẫn việc chặn Facebook, tin tặc đánh phá các trang web, hạn chế gia tăng đối với các quán cà phê internet và blog, dùng phần mềm để theo dõi đối kháng.

Đại sứ Mỹ tuy vậy khen ngợi rằng trong ba năm vừa qua, ông “chứng kiến cải thiện lớn về tự do tôn giáo”.

Nhưng ông nói việc nhà chức trách dùng vũ lực trong những vụ như ở Đồng Chiêm và Cồn Dầu “gây nghi ngờ về quyết tâm cai trị bằng pháp luật của Việt Nam và gây tổn hại cho một Việt Nam mà lẽ ra có hình ảnh tích cực về tự do tôn giáo”.

Xem chi tiết…