Trang chủ > Tin Tức > Mạng xã hội nói về Trần Quang Thành

Mạng xã hội nói về Trần Quang Thành

Phần lớn các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã im tiếng trước việc nhà hoạt động khiếm thị Trần Quang Thành vừa tới Hoa Kỳ, nhưng nhiều người sử dụng internet cho biết họ thở phào nhẹ nhõm và gửi lời chúc tốt đẹp tới ông và gia đình.

Hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã chạy hàng tin chỉ có một dòng vào ngày 19 tháng 5, nói rằng “Ông Trần Quang Thành, một người ở quận Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông thuộc miền đông Trung Quốc, đã xin học tại Hoa Kỳ thông qua các kênh thông thường phù hợp với quy định của pháp luật, theo các nguồn tin từ các Bộ có liên quan.”

Ít phương tiện truyền thông đã đề cập đến việc ông Trần Quang Thành tới New York, có thể vì Bắc Kinh muốn việc này được nói đến càng ít càng tốt.

Một ngoại lệ đáng chú ý là tạp chí Caixin (Tài Tân) vốn có xu hướng cải cách có trụ sở tại Bắc Kinh, đã đưa tin ông Trần tới Hoa Kỳ và cuộc tiếp đón ông nhận được từ những người ủng hộ, gồm cả các chính trị gia Hoa Kỳ.

Tổng biên tập tạp chí Tân Thế Kỷ, bà Hồ Thư Lập, đã đăng lại tin này trên trang Sina Weibo, một mini blog của Trung Quốc tương tự như Twitter, và còn thêm vào một câu bình luận: “Chúc phúc lành”.

“Thoát nạn khủng bố đỏ”

Lời chúc tốt đẹp của bà Hồ Thư Lập đã được nhiều người sử dụng internet lặp lại và họ bày tỏ cảm xúc của mình trên mạng bất chấp sự kiểm duyệt nghiêm ngặt tại Trung Quốc.

Tên của ông Trần là một “từ nhạy cảm” và sẽ tự động bị chặn do các kiểm duyệt trên mạng, vì thế cư dân mạng đã nghĩ ra nhiều cách sáng tạo khác nhau để nói tới ông Trần mà không nhắc đến tên ông.

“Xin chúc mừng người hùng đeo kính và gia đình ông. Giờ ông đã thoát nạn khủng bố đỏ!” một microblogger viết.

“Tôi xin ngả mũ cúi chào ông. So với ông, tất cả chúng tôi đều là những kẻ hèn nhát. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hy vọng ông sẽ có sống một cuộc sống bình ổn ở đó,” một người khác viết.

Mạng xã hội Weibo ở Trung QuốcTruyền thông Trung Quốc ít nói về việc ông Trần đã tới Mỹ ngoài một số các mạng xã hội tại đây.

Giữa niềm vui đó, một số người đã đặt câu hỏi tại sao ông Trần lại phải rời khỏi đất nước của mình.

“Trung Quốc có thể chấp nhận tình trạng tham nhũng và dối trá, nhưng không thể chấp nhận một người tốt và chân chính,” một cư dân mạng đã viết trên Weibo.

“Người chiến binh đã ra đi. Ông đã có tự do, nhưng Trung Quốc vẫn như thế. Không rõ là tôi nên vui hay nên buồn,” một người sử dụng internet viết.

Mờ nhạt dần?

Những tiếng nói trên mạng không hoàn toàn đồng nhất ủng hộ ông Trần. Một số cư dân mạng ủng hộ chính phủ đã buộc ông vào tội phản bội đất nước mình.

“Lấy tiền của người nước ngoài và hôn chân ngoại quốc. Anh hùng kiểu gì vậy?” một người bình luận trên mạng Weibo.

“Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi Đại Luật sư Trần không còn có giá trị gì nữa đối với người Mỹ,” một blogger mỉa mai viết.

Hầu hết các blogger dường như đã bỏ qua không để ý tới các ý kiến hoài nghi như vậy, nhưng thực sự có lo ngại rằng ông Trần có thể sẽ không được phép về nước và sẽ mất đi ảnh hưởng của ông ở Trung Quốc như nhiều người bất đồng chính kiến đã rời Trung Quốc sống lưu vong trước đây.

“Ông ấy sẽ mờ nhạt dần khỏi chính trường Trung Quốc,” một người sử dụng Weibo viết.

Một số người còn dự đoán rằng ông Trần sẽ ít lên tiếng hơn vì sợ các thành viên trong gia đình mà ông bỏ lại phía sau bị trả thù.

“Ông sẽ không đưa ra những phát biểu khiến chính phủ phật lòng vì ông vẫn còn người thân ở Trung Quốc, những người sẽ suốt đời là các con tin,” một blogger viết.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động đồng nghiệp của ông Trần vẫn lạc quan.

Hác Kình Tùng, một luật sư và một nhà hoạt động tại Bắc Kinh, viết trên Weibo: “Trong môi trường mới và cuộc sống mới, tôi tin rằng ông Trần sẽ làm được một số điều. Sớm muộn thì một ngày nào đó, ông Trần sẽ trở lại Trung Quốc.”

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/05/120521_chen_social_media_reax.shtml

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này