Lưu trữ

Archive for Tháng Mười Hai, 2009

Những thay đổi đáng chú ý trong giới trí thức khuynh tả

Nguyễn Hưng Quốc

“Chẳng hiểu tại sao bây giờ họ lại ăn nói ngu xuẩn quá vậy?”

Trong bài “Nguyễn Minh Triết bị mang lên đoạn đầu đài YouTube” (15/12/2009), tôi có kể lại nhận xét của một người bạn của tôi, vốn du học ở ngoại quốc từ trước 1975 và một thời gian dài mang tư tưởng khuynh tả, về Nguyễn Minh Triết cũng như giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay nói chung: “Chẳng hiểu tại sao bây giờ họ lại ăn nói ngu xuẩn quá vậy?”

Nhận xét ấy ám ảnh tôi khá lâu. Ám ảnh về hai chuyện: Thứ nhất, chữ “ngu xuẩn”, và thứ hai, về bạn tôi.

Những người chống cộng, nhất là những người chống cộng xuất phát từ những thù hận hay đố kỵ cá nhân chứ không dựa trên quan điểm hay lập trường nào nhất định, vẫn thường hay chửi tất cả kẻ thù của họ là ngu xuẩn. Chửi tất. Không cần chứng cứ gì cả. Cứ chửi cho sướng miệng và cho bõ ghét. Chửi, do đó, hầu hết là chửi đổng.

Những lời chửi bới ấy có thể phản ánh một nét tâm lý đáng kể trong xã hội. Nhưng chúng lại có rất ít sức thuyết phục.

Cũng không thuyết phục mấy những tiếng chửi ít nhiều hả hê của đông đảo dân chúng miền Nam khi chứng kiến và chịu đựng những chính sách kinh tế dở hơi của chính quyền Việt Nam sau năm 1975. Cái tôi gọi là “tiếng chửi ít nhiều hả hê” ấy thể hiện rõ nhất qua các truyện tiếu lâm được lưu truyền rất rộng rãi ở Việt Nam những năm đầu tiên sau thống nhất.

Một trong những câu chuyện tiêu biểu nhất là:

Một hôm, có một người đàn ông đến cổng dinh thự Lê Duẩn, tự giới thiệu là bạn học cũ của Lê Duẩn và xin gặp Lê Duẩn. Lính canh vào báo với Lê Duẩn. Lê Duẩn quát lên ngay: “Bắt thằng đó nhốt đi!” Một cán bộ cao cấp ngồi cạnh đó, can: “Sao vậy, đồng chí? Có gì thì cứ mời người ta vào xem sao đã?” Lê Duẩn quát: “Nó là gián điệp đó!” Viên cán bộ ngạc nhiên: “Chưa gặp người ta, sao đồng chí biết họ là gián điệp?” Lê Duẩn giải thích: “Không phải gián điệp thì là gì nữa? Cả đời tôi có đi học bao giờ đâu mà có bạn học?”

Những chuyện tiếu lâm như thế, một mặt, có thể xuất phát từ mặc cảm của người thua trận; mặt khác, có thể phản ánh nhận định chung trước những chính sách không thể được xem là khôn ngoan của chính quyền sau năm 1975.

Những chính sách ấy, một mặt, đánh sập nền kinh tế vốn èo uột và què quặt trong cả nước sau một cuộc chiến tranh dài đằng đẵng; mặt khác, làm mất hẳn niềm tin của dân chúng, nhất là dân chúng ở phía Nam đối với chính quyền mới, từ đó, dẫn đến phong trào vượt biên ồ ạt của cả hàng triệu người, trong đó, có vô số người bị chết giữa biển cả hay bị hải tặc cướp bóc và hãm hiếp một cách dã man.

Người ta có thể giải thích những chính sách thiếu khôn ngoan ấy bằng nhiều cách khác nhau. Bằng mặc cảm tự tôn của những người chiến thắng. Bằng sự cuồng tín đối với lý thuyết xã hội chủ nghĩa. Bằng việc thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế, v.v…Chứ công bằng mà nói, bất kể các chuyện tiếu lâm phổ biến từ Nam ra Bắc, ít người thành thực nghĩ giới lãnh đạo Việt Nam thời ấy là ngu xuẩn.

Không những không xem họ ngu xuẩn, nhiều người, trong đó có không ít giới trí thức, còn phục họ nữa là khác. Phục kiến thức của họ: Không thể hoài nghi được, thế hệ lãnh đạo đầu tiên của đảng Cộng sản, từ Hồ Chí Minh đến Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn, v.v… vốn là những trí thức uyên bác trên nhiều mặt. Phục chiến lược và chiến thuật của họ trong việc thâu tóm quyền hành và duy trì quyền hành từ năm 1945 về sau. Phục cách thức tuyên truyền của họ, suốt mấy chục năm, lừa gạt được gần như cả thế giới để mọi người tin tưởng vào chính nghĩa họ đang theo đuổi và vào sự hiện hữu độc lập của cái gọi là Mặt trận Giải phòng miền Nam. Phục những kế hoạch phục binh của họ sau Hiệp định Genève và những trò gián điệp họ cài vào hệ thống quyền lực ở miền Nam. Ngay chiến thắng giòn giã của họ trong hai trận chiến chống lại Pol Pot và Trung Quốc trong năm 1978 và 1979 cũng khiến nhiều người khâm phục.

Không đồng ý, vẫn khâm phục. Không thích, vẫn khâm phục.

Phục, hơn nữa, sợ, nên nhiều trí thức nhận cái phần ngu về cho mình. Khoảng cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, trước phong trào vượt biên ào ạt, nhiều trí thức ở lại Việt Nam tự nhận họ là những tín đồ của chủ nghĩa 3N: Ngu, Nghèo và Nhát. Nhát vì sợ những nguy hiểm trên con đường vượt biên. Nghèo vì không đủ tiền, đủ vàng để vượt biên. Nhưng còn Ngu? Ngu vì bị lừa. Nhiều người bày tỏ cảm giác bị lừa của mình qua câu thơ:

Ở xa, anh tưởng Thuý Kiều
Đến gần lại hóa người yêu Chí Phèo.

Nói một cách tóm tắt, trí thức, nhất là giới trí thức ít nhiều có thiện chí hợp tác với chính quyền để làm một cái gì đó có lợi cho đất nước sau chiến tranh, có thể bất đồng với giới lãnh đạo Việt Nam về nhiều chuyện liên quan đến chính sách nhưng thường không lên tiếng phê phán họ là ngu xuẩn.

Trong đám trí thức ấy, chắc chắn có bạn tôi.

Là một trong những thanh niên thuộc loại may mắn nhất ở miền Nam trước năm 1975, anh đi du học sớm. Ra nước ngoài, về chính trị, tình cảm của anh nghiêng hẳn về miền Bắc. Biến cố tháng Tư 1975 bị gia đình anh ở Sài Gòn xem như một tai hoạ, với anh lại là một niềm vui. Bất chấp những phản đối từ gia đình, anh hết lòng ủng hộ chính quyền mới ở Việt Nam với tất cả nhiệt tình và ngưỡng mộ.

Ai nói về chuyện vượt biển, anh cũng đều gạt đi. Ai than thở về sự vất vả trong đời sống sau 75, anh cũng đều gạt đi. Lúc nào anh cũng chầm chập bênh vực chính quyền. Anh nêu nhiều lý do để biện hộ cho những khó khăn và lạc hậu của Việt Nam. Anh tin tưởng một ngày nào đó những khó khăn và lạc hậu ấy sẽ được khắc phục và vượt qua. Anh quan niệm vai trò chính của trí thức, nhất là trí thức hải ngoại, không phải là lên án hay phê phán chế độ trong nước, mà là giúp đỡ Việt Nam phát triển qua các dự án nghiên cứu có tầm quốc tế mà họ làm trung gian.

Tôi phải thành thật ghi nhận điều này nữa: Có một thời gian, những trí thức như anh không phải ít. Trong đó, tôi biết, có cả những người từng bị cảo tạo và từng đi vượt biên.

Thế nhưng, gần đây, theo tôi, có sự thay đổi khá lớn ở những người ấy, ở những trí thức rất nhiều nhiệt tình và thiện chí ấy.

Trên blog hay trên các bài viết của họ, đây đó, càng ngày càng xuất hiện nhiều những ý kiến phản đối nhà cầm quyền, càng ngày càng nhiều những chữ như “hèn” và “ngu” khi nhắc đến nhà cầm quyền.

Trong những lúc tán gẫu, gần đây, mỗi lần nhắc đến chính quyền Việt Nam, cái câu tôi thường nghe nhiều nhất từ họ là: “Không hiểu tại sao bây giờ họ lại ngu đến vậy?”

Tôi hiểu tại sao họ nghĩ và nói như vậy.

– Không gọi là ngu thì gọi là gì cái việc Bộ Công Thương giao hẳn trang mạng của Bộ mình cho Trung Quốc để họ mặc sức tuyên truyền chống phá lại Việt Nam?

– Không gọi ngu thì gọi là gì cái việc báo điện tử của đảng Cộng sản loan tin và ca ngợi việc hải quân Trung Quốc diễn tập ở biển Đông vốn đang là vùng tranh chấp giữa hai nước?

– Không gọi ngu thì gọi là gì cái việc giao cho Trung Quốc quyền tự tung tự tác trong việc khai thác bauxite ở Tây nguyên, nơi được giới quân sự xem như một vị trí chiến lược của Việt Nam, “ai chiếm được Tây nguyên thì coi như làm chủ cả Việt Nam và Đông Dương”?

– Không gọi ngu thì gọi là gì cái việc không những im thin thít trước những sự gây hấn trắng trợn của Trung Quốc mà còn ra tay trấn áp những thanh niên trí thức yêu nước đòi xuống đường lên án thái độ bá quyền của Trung Quốc?

Ở đây, cũng cần nói ngay, chả ai muốn có chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng có vô số cách để tránh chiến tranh. Có nhiều cách vừa tránh được chiến tranh vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng và nhất là thể diện của dân tộc. Cách tránh chiến tranh tồi tệ và ngu xuẩn nhất là đầu hàng ngay từ đầu để giặc muốn làm gì thì làm. Tồi tệ và ngu xuẩn hơn nữa là để cho dân chúng thấy là mình hèn và chẳng quan tâm gì đến chủ quyền của đất nước cả.

Tuy nhiên, theo tôi, chuyện đáng nói không phải là chuyện chính quyền ngu hay khôn. Chuyện đáng nói nhất là ở chỗ này: giới lãnh đạo không giữ được sự tin tưởng và ngưỡng mộ từ ngay những người từng tin tưởng và ngưỡng mộ họ.

Bất cứ thứ quyền lực chính trị hiện đại nào cũng được xây dựng trên cơ sở của hai huyền thoại chính: huyền thoại về lòng yêu nước và huyền thoại về tài năng của những người lãnh đạo.

Quan sát thái độ của đông đảo trí thức khuynh tả ở hải ngoại, tôi có cảm tưởng cả hai huyền thoại ấy đều sụp đổ.

Sau sự sụp đổ ấy là gì?

Thú thực, tôi không biết. Bạn đọc thử nghĩ xem.

Nguyễn Hưng Quốc

http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-23-voa53.cfm

Chuyên mục:Bình Luận

Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung ra tòa ngày 20/1/2010

Bị ghép tội theo điều 79 Luật Hình Sự, có thể tử hình

Luật Sư Lê Công Ðịnh

SÀI GÒN (NV) – Luật Sư nhân quyền Lê Công Ðịnh, Thạc Sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung và hai ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long sẽ bị đưa ra tòa ở Sài Gòn các ngày 20 và 21 Tháng Giêng, 2010, theo một bản tin trong mục Pháp Luật của báo điện tử VNExpress.

Bản tin VNExpress nêu rõ ngày xử, ngoài phần kể lể tội trạng thường thấy trên báo chí tuyên truyền của chế độ, còn nói rõ ngày xử và tên thẩm phán là Nguyễn Ðức Sáu, Chánh tòa Hình Sự làm chủ tọa.

Tờ Thanh Niên có bản tin dài hơn, kể lể tội trạng kiểu đấu tố công khai nhưng không nêu ngày tháng phiên tòa dự trù diễn ra. Tuy nhiên, cả hai bản tin này đều chỉ xuất hiện một thời gian ngắn trên Internet rồi bị lấy xuống, không biết lý do tại sao.

“Sau 6 tháng điều tra, cựu Luật Sư Lê Công Ðịnh cùng 3 người khác sẽ bị xét xử về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ trong phiên tòa mở ngày 20-21 Tháng Giêng, 2010. 3 trong số 4 bị can sẽ đối mặt với tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình.” Mở đầu bản tin pháp luật ngày 23 Tháng Mười Hai, 2009, VNExpress viết như vậy.

Còn bản tin của tờ Thanh Niên thì có tựa đề “Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung: Bị truy tố ở khung hình phạt có mức án tử hình.”

Bản tin tờ VNEXpress xác nhận, “Sau nhiều tháng điều tra, các cơ quan tố tụng đã quyết định chuyển tội danh của 4 bị can từ ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN’ (khung hình phạt cao nhất 20 năm) sang truy tố về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ (mức phạt cao nhất tử hình).”

Trước áp lực mạnh mẽ của các nước Tây phương cấp viện, mấy năm qua, người ta thấy chế độ Hà Nội chỉ khép tội các người đấu tranh đòi dân chủ hóa Việt Nam vào tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Luật Hình Sự. Ðiều khoản này, án cao nhất là 20 năm tù.

Sau nhiều năm, lần đầu tiên người ta thấy báo chí Việt Nam loan tin họ bị khép vào khung hình phạt nặng nhất, đối diện với tử hình, cho thấy ý đồ đe dọa rõ rệt đối với những người đòi hỏi tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng.

“Ðó là viên đạn bắn trên đầu trước khi có đại hội đảng để nói cho mọi người biết phải cúi đầu nằm xuống mà tránh.” Ông Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc ở Canberra , nhận xét. “Bây giờ không phải là lúc cho mấy người cổ động tự do chính trị.”

Theo ông không phải chỉ là bắt giữ và bỏ tù một số người như diễn ra từ mấy tháng nay mà còn có thể nhiều vụ đàn áp chính trị khác nữa vào năm tới dẫn đến đại hội Ðảng CSVN dự trù vào đầu năm 2011.

Luật Sư Lê Công Ðịnh, 41 tuổi, bị bắt ngày 13 Tháng Sáu, 2009 sau khi hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long đã bị bắt. Nguyễn Tiến Trung bị bắt ngày 7 Tháng Bảy, 2009 ở Sài Gòn cùng một lượt với ông Trần Anh Kim ở Thái Bình.

Ngày 19 Tháng Tám, 2009 đài truyền hình Việt Nam cho chiếu trong phần thời sự lời “nhận tội”“xin khoan hồng” của cả bốn người. Ðoạn video này, cùng y một lời nhận tội và xin khoan hồng của đài truyền hình lại thấy ‘diễn viên’ mặc áo khác ở trên đoạn video phổ biến trên báo điện tử Nhân Dân Online. Ðiều này chứng tỏ cả 4 người đã bị công an đạo diễn, bắt học thuộc lòng các điều họ viết sẵn, trước máy quay phim.

Thạc Sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung

Trong một bài phân tích phổ biến trên BBC, Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ám chỉ cho thấy họ đã bị công an cho vào bẫy. Lúc đầu, chỉ cáo buộc họ với tội danh nhẹ hơn (tuyên truyền chống nhà nước), rồi sau khi họ nhận tội và đọc lời ghi âm ghi hình để tuyên truyền, họ bị đẩy tội danh lên mức nghiêm trọng hơn.

Bản tin của các tờ Thanh Niên và VNExpress đều “cột” Lê Công Ðịnh và Nguyễn Tiến Trung vào đảng Dân Chủ Việt Nam là “một tổ chức phản động có mục đích hoạt động nhằm lật đổ chính quyền thể hiện ngay trong ‘cương lĩnh’ là ‘xây dựng một Quốc Hội mới, nhà nước mới, Hiến Pháp mới… ‘ ‘”

Bản tin cáo buộc ông Lê Công Ðịnh là người tham dự các khóa huấn luyện (nhằm tổ chức lật đổ) của Việt Tân ở Thái Lan, mà tổ chức Việt Tân phủ nhận có chuyện như vậy.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức thì bị cáo buộc lập tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn” với kế sách “Ðoài đánh Ðoài”, lập các blogs viết bài “có nội dung xuyên tạc sự thật, chống đối sự lãnh đạo của đảng và điều hành của chính phủ, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân.”

Ông Lê Thăng Long bị cáo buộc “đã làm ra 39 tài liệu trong đó có 15 tài liệu mang nội dung vạch ra đường lối, kế hoạch hành động, 13 tài liệu mang nội dung kích động, bộc lộ ý đồ lật đổ. Tháng Tư, 2007, Long tách khỏi “Nhóm nghiên cứu Chấn” và 7 tháng sau, tự thành lập “Phong trào Chấn hưng nước Việt”, lập website và một số câu lạc bộ… để viết bài có nội dung chống phá nhà nước.”

Viêc bắt giữ, kết án các người vận động dân chủ hóa Việt Nam là đòn đánh phủ đầu để những ai muốn lên tiếng phải im đi trong lúc chế độ chuẩn bị đại hội đảng, một nhà ngoại giao ở Hà Nội nói với báo New York Times. Chính vì thế mà người ta thấy các hoạt động của những người chống đối chế độ chùng xuống.

Cũng trong chiều hướng ra oai, những ngày gần đây, người ta thấy 4 diễn đàn điện tử có nhiều người vào xem và cũng có những bài viết đả kích chế độ, bị phá sập. Ðáng để ý nhất là trang mạng bauxitevn.info. Diễn đàn điện tử này khởi đầu chỉ là một diễn đàn kêu gọi mọi người ký tên chống khai thác bauxite, dần dần biến thành một diễn đàn chính trị với những quan điểm khác xa với chủ trương của “lề phải.”

Ngày 28 Tháng Mười Hai, 2009 tới đây, ông Trần Anh Kim, phó tổng thư ký đảng Dân Chủ Việt Nam bị lôi ra tòa án ở tỉnh Thái Bình, cũng bị đổi tội danh từ “Tuyên truyền chống nhà nước” thành tội danh “âm mưu lật đổ,” mà như vậy cũng có thể phải đối diện với bản án tử hình. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=105934&z=1

Chuyên mục:Tin Tức

Giới cầm quyền vui tính

Nguyễn Hưng Quốc

Nghĩ đến giới cầm quyền Việt Nam, người ta thường nghĩ đến những người độc tài hoặc khá độc tài (tôi không tin là hiện nay lại có người dở hơi đến độ dám nói ngược lại, cho họ là những người tôn trọng dân chủ!). Nghĩ đến những người độc tài, người ta thường liên tưởng đến những bộ mặt đằng đằng sát khí hay ít nhất lầm lầm lì lì, mồm miệng chỉ được sử dụng để quát nạt chứ không biết cười đùa bao giờ.

Sự thực khác hẳn.

Xem mấy YouTube chiếu các buổi nói chuyện của Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nhà nước, chúng ta thấy ông rất hóm. Ông kể chuyện đại sự quốc gia như một gã say rượu vui tính ngồi ba hoa chích choè trong các quán bia ôm. Từ lời nói đến giọng nói và vẻ mặt đều toát ra vẻ gì rất hài hước. Và rõ ràng là ông muốn chia sẻ sự hài hước đó với thính giả đang ngồi há mồm ra nghe rồi vỗ tay rầm trời!

Mà đâu phải chỉ có mình ông Nguyễn Minh Triết?

Ngày 20 tháng 11, 2009, nói chuyện trước Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một mặt, thừa nhận nạn tham nhũng đang tràn lan và việc ngăn chận nạn tham nhũng cơ hồ dậm chân tại chỗ; mặt khác, lại khoe là trong ba năm lên làm thủ tướng, ông chưa hề xử lý “đồng chí” nào, kể cả những “đồng chí” không thèm nghe lệnh của mình! Ông còn nói là sẽ “học theo đồng chí Phạm Văn Đồng”, người suốt mấy chục năm, chưa hề xử lý bất cứ một thuộc cấp sai phạm nào cả. Bọn tham nhũng, nghe vậy, tha hồ sướng!

Trong cuộc họp về chống tham nhũng trong ngành y tế tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 11, 2009, ông Lương Ngọc Khuê, cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh, cũng chứng tỏ là người rất vui tính khi tuyên bố: Nền y tế Việt Nam đã quá tốt! Tốt đến độ không có chuyên gia y tế nào trên thế giới có thể góp ý kiến gì được nữa cả!

Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y Tế cũng vui tính không kém khi quyết định trao giải thưởng “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng năm 2009” cho công ty bột ngọt Vedan mặc dù trước đó công ty này đã bị dư luận kịch liệt lên án về việc xả chất thải hoá học, gây ô nhiễm nặng nề dòng sông Thị Vải thuộc tỉnh Đồng Nai.

Nhưng giới lãnh đạo Việt Nam tỏ ra vui tính nhất là khi đưa ra nhiều chính sách có tầm quốc gia.

Ví dụ, vào tháng 9, 2009, Sở Nội vụ Hà Nội công bố “chiến lược” quan trọng là đến năm 2020, một trăm phần trăm cán bộ, công chức thuộc khối chính quyền thành phố có bằng tiến sĩ! Cán bộ, công chức thuộc khối chính quyền thành phố là những ai? Theo báo Vietnamnet.vn, hiện nay, họ có khoảng 500 người, “gồm thành viên Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ, Thành ủy viên, các trưởng, phó ngành; bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị xã; chủ tịch, phó chủ tịch quận, huyện, thị xã”. Như vậy có nghĩa là đúng 10 năm nữa, không có chủ tịch hay phó chủ tịch quận, huyện nào tại Hà Nội không phải là tiến sĩ. Chắc chắn không nước nào trên thế giới có thể sánh được với Hà Nội ngàn năm văn vật của chúng ta cả!

Trong mấy năm qua, báo chí khắp nơi, từ trong nước ra đến hải ngoại, từng đăng tải nhiều chính sách cười ra nước mắt khác. Nổi bật nhất là:

Thứ nhất, chủ trương hạn chế xe gắn máy tại Hà Nội bằng cách: (a) cấm xe có số đăng ký ở địa phương khác không được chạy vào Hà Nội; và (b) riêng ở Hà Nội, sẽ bảng số lẻ được chạy vào các ngày lẻ và xe có bảng số chẵn được chạy vào các ngày chẵn. Trái ngày thì bị phạt!

Thứ hai, tháng 10 năm 2008, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm những người nhỏ con, thấp và/hay ngực lép không được quyền lái xe máy trên 50 phân khối.

Cứ tưởng tượng, nếu chủ trương trên được thực hiện thì, một là, người dân ở các tỉnh khác mỗi làn vào Hà Nội, phải gửi xe gắn máy ở ngoại thành, rồi lết bộ vào thành phố; hai là, chính quyền sẽ tuyển thêm hàng chục ngàn viên chức mới với nhiệm vụ là hàng ngày họ đứng đứng hai bên đường dòm số xe và tính số xe nào chẵn, số xe nào lẻ để ghi giấy phạt.

Còn nếu chủ trương thứ hai được thực hiện thì cũng sẽ có hàng chục ngàn cảnh sát giao thông đổ ra ngoài đường, chận các xe gắn máy lại để đo chiều cao và đo vòng ngực của hàng triệu người lái xe gắn máy mỗi ngày.

Lúc ấy các bác sĩ thẩm mỹ chuyên về độn ngực tha hồ hốt bạc. Giới thanh niên đa tình thì nườm nượp kéo nhau xin vào ngành cảnh sát giao thông.

Còn cảnh tượng ngoài đường phố thì nhất định là ngày nào cũng vui như Tết!

Mới đây, chính quyền Hà Nội ra lệnh cấm dân chúng hôn nhau ở các địa điểm công cộng, đặc biệt tại vườn Bách Thảo. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xem đó là một lệnh cấm “hài hước” mà nhà cầm quyền mới thêm vào trong cái bảng lệnh cấm hài hước vốn dài dằng dặc của họ.

Với những kiểu nói năng như thế, hành xử như thế, và chính sách như thế, không ai có thể phủ nhận sự vui tính của giới cầm quyền Việt Nam.

Vui tính như những thằng hề.

Nguyễn Hưng Quốc

http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-23-voa4.cfm

Chuyên mục:Bình Luận

Ân xá Quốc tế kêu gọi hành động khẩn

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi hành động khẩn cấp vì luật sư Lê Công Định, người sẽ ra tòa ngày 20/01-21/01/2010 tại TP Hồ Chí Minh cùng một số người khác vì tội lật đổ.

Báo Việt Nam cho hay hôm 22/12/2009, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trước đó, luật sư của một nhân vật hoạt động khác là cựu chiến binh Trần Anh Kim cũng xác nhận ông Kim sẽ phải ra tòa ngày 28/12 tới tại tỉnh Thái Bình vì cùng tội danh trên, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Trong thông cáo ra ngày 22/12 tại Anh quốc, Ân xá Quốc tế đề cập tới ba trường hợp là ông Lê Công Định, ông Nguyễn Tiến Trung và ông Trần Anh Kim cùng với lời kêu gọi tất cả những ai quan tâm can thiệp cho ba người này.

Tổ chức nhân quyền nổi tiếng thế giới đề nghị mọi người ngay lập tức gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm để bày tỏ quan ngại về những người mà Ân xá Quốc tế gọi là "tù nhân lương tâm".

Thông cáo cũng yêu cầu các thỉnh nguyện viên kêu gọi nhà chức trách Việt Nam thả những người này ngay lập tức và vô điều kiện, xóa bỏ tất cả các cáo buộc đối với họ.

Một khuyến nghị khác đối với chính phủ Việt Nam là thay đổi hoặc xóa bỏ các điều trong Bộ Luật Hình sự 1999 vốn mang nội dung hình sự hóa việc bất đồng chính kiến một cách hòa bình.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu từng bày tỏ quan ngại về các trường hợp trên.

Tội lật đổ chính quyền

Một số báo Việt Nam hôm thứ Tư 23/12 đã đăng thông tin, có thể do cơ quan an ninh cung cấp, về việc chuyển tội danh đối với các nhân vật đối kháng nói trên.

Các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long trước kia bị khởi tố tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Nay trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã thay đổi quyết định, khởi tố bị can tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79.

Nhận xét về việc chuyển tội danh, ông Đỗ Nam Hải, một nhà bất đồng chính kiến khác tại TP Hồ Chí Minh cho rằng đây là ý đồ "tránh áp lực của quốc tế rất mạnh đối với Điều 88, vì với Điều 79, đi kèm hai chữ 'hoạt động' tức là đã có hành vi 'lật đổ' cụ thể".

Việc chuyển sang tội danh có khung hình phạt cao hơn, theo ông Hải, cũng là để "răn đe hù dọa phong trào dân chủ, lực lượng dân chủ Việt Nam".


Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung: truy tố theo khoản 1, Điều 79, hình phạt cao nhất là án tử hình

Lê Thăng Long: truy tố theo khoản 2, Điều 79, hình phạt cao nhất tù 15 năm.

Báo Thanh Niên cho hay theo cáo trạng, các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định bị truy tố theo khoản 1 của tội danh trên và có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; ông Lê Thăng Long bị truy tố theo khoản 2, có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Báo này cũng đăng tải nhiều chi tiết trong cáo trạng chứng thực hành động phạm tội của các bị can trên.

Kết luận của cáo trạng là: "Đây là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia".

"Hoạt động phạm tội của các bị can có tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể, móc nối, câu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức "bất bạo động", thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" chống cách mạng Việt Nam".

Việc báo chí đăng chi tiết cáo trạng kết tội bị cáo trước khi tòa xử là điều thường xảy ra ở Việt Nam.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091223_ai_lecongdinh.shtml

Chuyên mục:Tin Tức

Chính phủ Pháp bày tỏ sự cảm thông với các Tăng sinh Bát Nhã

Thanh Trúc

Thanh Trúc, phóng viên RFA
Nghe Phần Âm Thanh

Các tu sĩ Phật giáo thuộc Tăng đoàn Làng Mai ở Pháp và đại diện Tăng thân Bát Nhã ở Lâm Đồng đang cố vận động chính phủ Pháp cho phép bốn trăm tu sinh nam nữ, bị đuổi khỏi tu viện Bát Nhã và sắp phải rời chùa Phước Huệ 31/12 này, được cư trú tạm thời ở Pháp.

Thứ Sáu tuần trước, ngày 18 tháng 12 năm 2009, sư cô Elizabeth Giác Nghiêm, tăng thân Làng Mai ở Pháp, đã cùng một số tăng sinh khác đến điện Elysée để trình thỉnh nguyện thư xin tổng thống Nicolas Sarkozy giúp các tăng sinh Bát Nhã ở Lâm Đồng sắp phải rời khỏi chùa Phước Huệ trong nay mai, được qua nương náu ở Pháp để tiếp tục con đường tu học.

Đến thứ Hai tuần này, thầy Trung Hải, đại diện của tăng thân Bát Nhã, lại đến gặp vị đặc sứ nhân quyền trong Bộ Ngoại Giao Pháp, ông Francois Zimeray, với yêu cầu tương tự.

Từ Paris, thầy Trung Hải nói với đài Á Châu Tự Do: “Buổi họp mặt hôm đó vào khoảng 12 giờ trưa, ngoài Trung Hải ra thì còn có sư cô Giác Nghiêm người Pháp, sư cô Tôn Nghiêm là người Pháp, sư chú Pháp Linh là người Pháp, cô Minh Tri là người Pháp gốc Việt hiện là phó chủ tịch Hiệp Hội của Tổng hội Phật Giáo Pháp, và ông Olivier là chủ tịch tổng Hội Phật Giáo Pháp.”

Về phía chính phủ Pháp, ngoài đặc sứ nhân quyền Bộ Ngoại Giao Francois Zimeray, còn cóđại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền, và bà Berger, đặc trách vùng Đông Nam Á trong Bộ Ngoại Giao Pháp.

Theo thầy Trung Hải, cuộc tiếp xúc hôm thứ Hai diễn ra một cách tốt đẹp:

“Sau khi giới thiệu phái đoàn mỗi bên thì ông Zimeray nói rằng chính phủ Pháp và ngài tổng thống đã nhận được thư yêu cầu của chúng tôi và buổi họp mặt hôm nay là để bàn sâu hơn. Chúng tôi cũng đã trình bày rất rõ rằng chúng tôi không hề muốn tị nạn mà chỉ muốn xin cư trú tạm một thời gian cho tới khi nào chính phủ của chúng tôi cho phép chúng tôi tu học chung với nhau ở Việt Nam thì chúng tôi sẽ lập tức trở lại Việt Nam.

Ông Francois Zimeray bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ chân thành. Ông nói Pháp là quê hương của nhân quyền, Pháp hiện tại đang có mối liên hệ rất tốt và đang là nơi hướng về của những người hoạt động những người muốn nuôi lớn ý thức về nhân quyền và những giá trị khác của con người. Vì vậy biết chuyện này thì Pháp chia sẻ rất sâu sắc và sẽ làm hết sức của mình để mà có thể bảo bọc được cho chúng tôi.

Và một điều quan trọng làm cho chúng tôi cảm động, đó là đặc sứ nhân quyền Pháp nói rằng chúng tôi đừng bỏ cuộc, những con người như vậy ban đầu thường gặp khó khăn, và để mà làm được việc này nước Pháp cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy ông yêu cầu chúng tôi đừng bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi có niềm tin là sau cuộc gặp gỡ này sẽ có một giải pháp tốt đẹp cho các thầy các sư cô ở bên nhà.”

Cư trú tạm thời

Nếu được chính phủ và Bộ Ngoại Giao Pháp cấp visa tạm trú, các tăng sinh Bát Nhã sẽ qua nương náu tại Tung Tâm Làng Mai ở Paris trong một thời gian để cùng nhau tu học mà chính phủ sở tại không phải lo lắng cưu mang họ về mặt đời sống. Sư cô Elizabeth Giác Nghiêm khẳng định như vậy:

“Chúng tôi tuyệt đối không khẩn cầu chính phủ Pháp giúp đỡ về tiền bạc hay những thứ khác vì các tăng thân Bát Nhã sẽ tạm trú trong Trung Tâm Làng Mai của chúng tôi tại Pháp, sẽ sinh hoạt sẽ tu học theo cung cách chúng tôi đang sinh hoạt ở đây.

Dù gặp khó khăn bên Việt Nam nhưng các tu sinh Bát Nhã không có ý muốn xin tị nạn tại Pháp đâu, họ sẽ trở về Việt Nam nếu được cho tu học cùng nhau tại Việt Nam.”

Sư cô Elizabeth Giác Nghiêm cũng bày tỏ niềm hy vọng ngày 31 tháng 12, tức ngày các tăng sinh Bát Nhã bắt buộc phải ra khỏi chùa Phước Huệ, không phải là những ngày cuối củng của tăng đoàn Làng Mai ở Việt Nam.

Hầu hết mấy trăm tăng sinh Bát Nhã, dù bị đánh đập bị sỉ nhục và bị xua đuổi, không ai muốn rời bỏ Việt Nam. Đại diện của họ là thầy Trung Hải nhắc đi nhắc lại như vậy khi được hỏi liệu chuyện vận động sự can thiệp từ chính phủ Pháp có mang lại giải pháp nào không:

“Theo như tinh thần của buổi họp và phản hồi của Bộ Ngoại Giao Pháp thì chúng tôi thấy có vẻ như Pháp sẵn sàng đón nhận chúng tôi và đã bàn tới giải pháp làm loại visa nào cho những người này và bàn tới những vấn đề chi tiết hơn.

Bên Bộ Ngoại Giao Pháp cũng đã hướng dẫn chúng tôi những bước cần thiết nhưng mà chúng tôi xin lỗi là chưa thể thông báo được những nội dung cụ thể đã bàn. Chúng tôi có hứa với họ như vậy.

Thực sự chúng tôi cũng biết điều kiện thực tế rất khó, thời gian này là thời gian nghỉ lễ, và nước Pháp hiện tại cũng đang lo rất nhiều việc trong các quan hệ quốc tế khác. Chúng tôi làm hết sức những gì mình có thể thôi.”

Và có một niềm hy vọng cao hơn mà thầy Trung Hải và những anh chị em tăng thân của ông ở Việt Nam muốn mọi người hiểu là:

“Một hy vọng mà chúng tôi đặt cao hơn là hy vọng nhờ vào tiếng nói của người Pháp, của chính phủ Pháp, mà những bậc đang lãnh đạo đất nước của chúng tôi hiểu được nguyện vọng của những người trẻ chúng tôi mà mở một con đường.

Chúng tôi hoàn toàn không muốn rời khỏi đất nước, chúng tôi không muốn tạo ra một tiền lệ rằng cứ khi nào gặp kháo khăn thì chạy ra khỏi đất nước. Nhưng chúng tôi thấy nếu ở trong nước thì chúng tôi sẽ không có cơ hội để tu tập không có cơ hội nuôi dưỡng cái lý tưởng bất bạo động và cái lý tưởng phụng sự của mình.

Chúng tôi đang chịu rất nhiều sức ép và chúng tôi chỉ muốn một điều là nhờ vào những cái này mà chính phủ của chúng tôi nghĩ lại khi muốn đuổi những đứa con của mình ra khỏi gia đình của mình. Đó là hy vọng lớn nhất của chúng tôi.”

Với sư cô Elizabeth Giác Nghiêm, những tăng thân trẻ tuổi của Bát Nhã đáng khâm phục và cần được cứu vớt qua cơn hoạn nạn. Theo sư cô, họ đã chứng tỏ được tinh thần vô uý bất bạo động trước những người sẳn sàng đẩy họ vào nghịch cảnh, liên tục sỉ nhục, thậm chí khạc nhổ lên đầu lên mặt trong lúc họ tọa thiền để lắng tâm và cầu nguyện.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Persecuted-vietnamese-buddhists-france-promises-to-act-ThTruc-12222009222853.html

Chuyên mục:Tin Tức

Tổ Chức Ân Xá quốc tế làm được gì cho Việt Nam

Ỷ Lan

Ỷ Lan, thông tín viên RFA
Nghe Phần Âm Thanh

Người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước từ mấy chục năm nay, trước cả thời Cộng Sản nắm chính quyền trên toàn cõi Việt Nam, đã nghe đến những hoạt động của một tổ chức nhân quyền hoạt động rất hữu hiệu, mang tên Tổ Chức Ân Xá quốc tế, Amnesty International. Tổ chức này đã được hình thành trong hoàn cảnh nào, do đâu, và đã làm được những gì cho Việt Nam? Phóng viên Ỷ Lan của đài Á Châu Tự Do phỏng vấn bà Janice Beanland, thuộc Amnesty International.

Tem có hình cha Nguyễn Văn Lý. Ảnh chụp lại trên mạng Vietnamreview.blogharbor.com

Lo ngại cho nhân quyền ở VN

Ỷ Lan: Xin chào bà Janice Beanland, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) là tổ chức nổi danh trong thế giới qua những hoạt động hữu hiệu bênh vực và giải thoát cho tù nhân chính trị. Nhưng vẫn còn số người chưa hiểu rõ lắm về tổ chức và hoạt động của Ân xá Quốc tế. Xin bà vui lòng giới thiệu sơ lược cho thính giả Đài Á châu Tự do được biết về tổ chức Ân xá Quốc tế ?

Janice Beanland: Ân xá Quốc tế là một nhóm hoạt động cho nhân quyền quốc tế, do một Luật sư người Anh, ông Peter Benenson, thành lập hơn bốn mươi lăm năm trước, năm 1961, sau sự kiện ông viết một bài báo được đăng tải trong thế giới kêu gọi trả tự do cho những sinh viên tại Bồ Đào Nha. Bức thư biến thành một cuộc nâng cốc chúc mừng cho tự do. Từ một động thái đơn giản như vậy, Ân Xá Quốc tế đã lớn mạnh suốt 45 năm qua. Hôm nay chúng tôi có hai triệu hai trăm ngàn thành viên trong hơn 140 quốc gia trên thế giới. Điều quan trọng cần nhấn mạnh, Ân xá Quốc tế là một tổ chức độc lập, không phe phái, nguồn tài trợ độc nhất đến từ các tặng dữ hay đóng góp. Chúng tôi không nhận tiền từ các nguồn chính phủ hay đảng phái chính trị.

Ỷ Lan: Bà đánh giá thế nào về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua?

Janice Beanland: Tôi nghĩ đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền tại Việt Nam. Tôi muốn nói rằng, trong năm qua, chúng tôi nhận thấy tình hình nhân quyền đang xấu đi, đặc biệt trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Đây là lĩnh vực mà Ân xá Quốc tế lấy làm tiêu điểm. Theo cái cách con người gọi là được phát biểu tự do và công khai ở Việt Nam, thì tự do ngôn luận đang bị giới hạn đáng kể trong 12 tháng vừa qua.

Ỷ Lan: Ân xá Quốc tế có mở chiến dịch gì để bảo vệ tự do ngôn luận tại Việt Nam không, thưa bà?

Janice Beanland: Ân xá Quốc tế đang hoạt động theo nhiều mức độ và bằng nhiều phương cách. Ân xá Quốc tế đặt tiêu điểm chủ yếu vào những trường hợp cá nhân và vận động cho quyền cá thể. Ở Việt Nam, chúng tôi đang tập trung trên một số trường hợp cá nhân. Chúng tôi kêu gọi các nhóm của chúng tôi quanh thế giới viết thư cho chính quyền Việt Nam cũng như cho chính quyền sở tại nước họ nêu lên những trường hợp này, rồi chúng tôi tổ chức hằng loạt hoạt động chung quanh những trường hợp ấy.

Ỷ Lan: Bà có thể cho biết một vài trường hợp?

Janice Beanland: Một vài trường hợp thích đáng có thể kể qua cuộc phỏng vấn hôm nay là trường hợp Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, hai luật gia cho nhân quyền, bị bắt bỏ tù tháng 5 năm 2007. Hai người này nằm trong chiến dịch “Viết để đòi hỏi Quyền” (Write for Rights), là hành động chúng tôi tung ra mỗi năm chung quanh thời điểm Ngày Quốc tế Nhân quyền. Qua hành động này chúng tôi mời gọi các thành viên tổ chức chúng tôi quanh thế giới tập trung vào một số trường hợp để viết thư đòi hỏi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho những tù nhân vì lương thức, đồng thời biên thư hậu thuẫn gửi thẳng đến cho họ trong nhà tù. Đó là hành động của những thành viên chúng tôi ở Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Nhật bản, Thái Lan, các nước Đông Âu, các nước ở Châu Phi. Mọi nơi đều tham gia chiến dịch này, làm dấy lên hàng nghìn nghìn bức thư gửi đến chính quyền Việt Nam.

Ỷ Lan: Bà có biết những thư này tới tay các tù nhân vì lương thức ở trong tù hay không ?

Janice Beanland: Điều này chúng tôi không biết. Những gì nghe được, thì chắc chắn những bức thư như thế khó tới tay người tù. Nhưng chúng tôi tin rằng việc này vẫn thật bõ công, và chúng tôi khuyến khích các thành viên của chúng tôi tiếp tục gửi thư đi, bởi việc này báo hiệu cho giới quản lý nhà tù Việt Nam – cũng như cho chính quyền Việt Nam – biết rằng thế giới đang quan tâm tới những trường hợp này, và đây là điều quan trọng.

Họat động đấu tranh không ngừng

Ỷ Lan: Chúng tôi biết Ân xá Quốc tế còn vận động thúc đẩy các chính quyền trong thế giới có hành động bênh vực cho những tù nhân vì lương thức. Theo bà áp lực quốc tế có quan trọng đối với những quốc gia như Việt Nam không?

Janice Beanland: Rất quan trọng. Một phần công tác rất quan trọng của Ân xá Quốc tế là tiếp cận các chính phủ có cơ hội gặp gỡ chính quyền Việt Nam trong những hội nghị ở cấp vùng hay quốc tế, hoặc xuyên qua những cuộc đối thoại nhân quyền, chẳng hạn như giữa Liên Âu và Việt Nam. Chúng tôi tin rằng điều tối ư quan trọng là các chính phủ này biết rõ những điều Ân xá Quốc tế quan tâm, và chúng tôi thúc đẩy các quốc gia này nêu lên các trường hợp đặc biệt tại Việt Nam.

Ỷ Lan: Bà nhắc tới đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu và Việt Nam. Theo bà cuộc đối thoại này có mang lại hiệu quả gì không ?

Janice Beanland: Những cuộc đối thoại nhân quyền vô cùng khác nhau giữa các quốc gia. Ân xá Quốc tế nhận xét rằng đối thoại nhân quyền là điều tốt khi gặp gỡ để trao đổi các trải nghiệm, nhưng điều cần yếu là phải nêu ra các tiêu chuẩn tiến hành, phải vạch ra một số điểm chuẩn. Ví dụ như cuộc đối thoại Việt Nam – Liên Âu, chúng tôi muốn được thấy minh bạch các điểm chuẩn mà Liên Âu đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện.

Ỷ Lan: Ví dụ những điểm chuẩn nào ?

Janice Beanland: Chắc chắn phải là trả tự do cho các tù nhân vì lương thức, cải thiện chế độ nhà tù, quyền được xét xử công minh, bãi bỏ những hạn chế về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.

Ỷ Lan:Bà có thể cho biết tên một số tù nhân vì lương thức được Ân xá Quốc tế can thiệp ?

Janice Beanland: Vâng, những người như Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trương Quốc Huy, Trần Quốc Hiền và một số người hoạt động Công đoàn. Đây tôi chỉ nhắc tới một số người tiêu biểu.

Ỷ Lan: Xin bà một câu hỏi chót. Bà cho biết có nhiều thành viên Ân xá Quốc tế trải qua nhiều năm bênh vực cho một số trường hợp, chẳng hạn như các thành viên ở Canada đòi hỏi trả tự do cho Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang suốt 16 năm ròng nhưng chẳng hề được nhà cầm quyền Việt Nam hồi đáp. Bà có thể cho biết những trường hợp thành công không ? Điều gì làm cho bà tin rằng Ân xá Quốc tế đã đóng góp cải thiện Quyền Con Người ?

Janice Beanland: Đúng thế, có một số trường hợp khác thường, không chỉ riêng tại Việt Nam, mà có những người được trả tự do nhờ Ân xá Quốc tế và nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của những thành viên trong tổ chức chúng tôi. Trong vài trường hợp, các tù nhân này cho biết những thư từ chúng tôi gửi tới đã làm thay đổi rất nhiều chế độ giam cầm họ. Thật vô cùng ấm lòng được nghe những lời kể như thế, làm cho những nỗ lực của chúng tôi thật chẳng uổng công, khi nghĩ rằng các thành viên Ân xá Quốc tế đã hoạt động, và sử dụng những phương tiện nhỏ nhoi mà đã làm cho tình trạng giam giữ trong tù dễ chịu được đôi phần.

Ỷ Lan: Xin cám ơn bà Janice Beanland.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Amnesty-international-activities-specially-in-vietnam%20-12232009082050.html

Chuyên mục:Phỏng Vấn

Dân Hải Phòng rên xiết vì ô nhiễm

BBC

Chính quyền Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa một số nhà máy thép ở Hải Phòng sau khi hàng chục em học sinh tại một trường phổ thông cơ sở ở khu Quán Toan phải nhập viện, có em vì bị ngất do hít phải khí thải độc hại.

Quyết định được đưa ra sau khi các học sinh tại trường phổ thông cơ sở quán toan đã bốn lần phải vào viện trong gần một tháng qua.

Những điều tra ban đầu cho thấy nồng độ khí độc hại sulphur dioxide cao gấp hai, ba lần so với mức cho phép.

Nguyễn Hùng đã gọi điện hỏi chuyện những người đã từng sống hoặc đang sống gần khu có các nhà máy thép quanh khu vực Quán Toan ở Hải Phòng và họ kể về tình trạng ô nhiễm mà họ gọi là ''quá nặng""không thể chịu đựng nổi".

Chủ cửa hàng bán lẻ ở Quán Toan:

"Nói chung là khói lắm…, nó cứ khét mù lên ấy.

"Nhà tôi cách (nhà máy thép) khoảng trăm mét thôi, cửa hàng nhà tôi ở phía mặt đường 5 cũ.

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

"Cái trường học mà gió đông thì thẳng vào trường học, gió bấc thì thẳng vào nhà tôi.

"Ví dụ như tầm chập tối chẳng hạn, hoặc tầm sáng sớm dậy đi tập thể dục, nó cứ như sương mù thế này này.

"Nhà tôi cứ cách một ngày không lau lan can đằng trước một lần thì sờ tay vào, vệt một phát là có nốt tay.

"Ngày xưa chưa có nhà máy Việt Nhật, nó chưa cán phôi thì bụi nó chỉ trắng trắng thôi.

"Bây giờ nó đen xì luôn.

"Cái nhà máy (Thép Việt Nhật) nó mới xây dựng cách đây hơn một năm thôi.

"Trước đây cái con đường mà đi vào trong nhà máy Cửu Long bên cạnh thì buổi sáng chúng tôi vẫn đi tập thể dục ở đấy.

"Nhưng bây giờ không thể đi được nữa vì đi gần đến nơi đã có mùi khét là một, thứ hai là nó nóng nó xả ra không đi được.

"Cái mức độ ô nhiễm là từ ngày nó sản xuất cái phôi đấy, chắc là toàn sắt vụn, nhiều cái tạp chất nên bị ô nhiễm.

"Trước cũng bị ô nhiễm nhưng mức độ không trầm trọng như bây giờ.

"Con nhà tôi cũng học ở trường đấy (Trung học Cơ sở Quán Toan), rất là hay bị viêm họng.

"Cứ uống thuốc kháng sinh một thời gian xong, khỏi xong lại bị.

"Lắm khi nó cứ khét lẹt lên. Mình thì cũng cứ bịt mũi vào bán hàng, bịt mũi vào làm thôi chứ cũng chẳng biết kêu ai."

Cư dân ở nhà A8, Quán Toan, Hải Phòng

"Tôi thay mặt cho cư dân ở đây… nó là ô nhiễm quá nặng.

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

"Nó xả, tôi không biết là cái gì, nhưng mà nó khét kiểu như dầu nhờn cháy ấy.

"Ban ngày thì ít ngửi thấy, chủ yếu là ban đêm, từ 10h trở ra cho đến sáng.

"Nhà tôi thường phải đóng cửa suốt, không dám mở cửa ra.

"Đóng cửa kính, cửa trong, cửa ngoài mà trong nhà vẫn ngửi thấy.

"Khi mình ngủ không nói làm gì, khi tỉnh giấc dậy thì khó ngủ lại lắm.

"Cái mùi không thể tưởng tượng được.

"Chúng tôi đi tập buổi sáng hít vào mũi nó đen xì.

"Chúng tôi đây nhiều nhà máy lắm, có cái nhà máy cách khoảng mấy trăm mét, nhìn thấy cả ba bốn cái ống khói của nhà máy cán thép ở đây này.

"Xét nghiệm bao nhiêu lần rồi có thấy ý kiến gì đâu."

Cô giáo ở Trường Trung học Cơ sở Quán Toan:

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

"Bây giờ các em (bị nhập viện vì ngộ độc) về học cả rồi, nó bị nhiều lần rồi từ tháng Mười đến giờ. Về bệnh án người ta cũng viết là bị ngộ độc khí.

"Nhà máy thép Việt Nhật và Cửu Long, nhà máy có lò luyện ấy là gần trường nhất, chứ còn nhà máy thép ở đây thì rất nhiều.

"Khoảng cách từ nhà máy tới trường chỉ chưa đến 100 mét.

"Khi thấy có mùi khét đậm đặc là học sinh hay bị ngất, tức thở, nếu có luồng gió vào trường.

"Thành phố cũng ra quyết định là họ phải tạm dừng, các nhà máy cán thép mà có lò luyện là phải nghỉ nhưng không hiểu vì sao hôm 19 (tháng Mười Hai) lại vẫn bị.

"Từ khi thấy học sinh bị (các nhà máy) hay làm đêm nhiều hơn. Sáng chỉ còn sót một ít khí thôi, chắc là đêm lưu lại cộng với lại là chưa xả hết.

"Dân kêu ca rất nhiều. Thực ra họ đều phải chịu đựng khí đấy.

"Trẻ con thì nó nhỏ, ví dụ trẻ con ở trường thường lớp 6 ngất nhiều, lớp 9 lớn hơn thì đỡ hơn một chút."

Người từng sống ở gần nhà máy thép nhưng phải chuyển đi:

"Ối giời ôi, trước đây tôi sống ở A8 tôi biết rồi, tôi mới chuyển ra khu Cầu Cách này được một năm.

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

"Trước đây tôi sống ở A8, khu đấy thì thực sự là không thể chịu đựng được đâu.

"Không phải là một vài tháng nay đâu mà phải hàng hai năm nay rồi cơ. Rất chi là ô nhiễm.

"Buổi tối chúng tôi đi tập thể dục là không thể thở được đâu.

"Nó rát họng, ngực tức thở.

"Con nhà tôi, cách đây hai năm cháu còn học ở trường cấp hai, cháu về cháu bảo: 'Mẹ ơi, trong lớp con khép kín rồi mà như sương mù trong lớp'

"Tất cả ở khu này, không phải những người ở đấy mới quan tâm, mà xung quanh khu này người ta đều quan tâm như thế cả, người ta đều sợ như thế cả.

"Tôi đứng trên nhà tôi (cách khu Quán Toan khoảng một km) nhìn xuống khu đấy như sương mù vờn trên núi. Sợ lắm.

"Những người già khó thở, chó chịu, thường phải di chuyển, trẻ nhỏ thì các cháu bị bệnh phổi rất nhiều.

"Con nhà tôi hồi ở khu ấy ít nhất một tháng hai ba lần bị viêm phổi, viêm họng.

"Đúng ra nhà tôi định mua nhà ở khu chung cư đấy thế nhưng ô nhiễm quá chúng tôi không thể mua đất, mua nhà phải di chuyển tới nơi khác.

Ngày xưa khu nhà (A8) rất đắt vì gần chợ, gần truờng học mà công nhân đi làm chỉ muốn gần chợ, gần trường học thôi nhưng mà bây giờ sợ lắm, không dám mua, phải chuyển đi nơi khác."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091222_polution.shtml

Chuyên mục:Tin Tức

Đây mới thật là 'quỹ trái phép' đáng xem xét

Bùi Tín

Bà Ba Sương – Trần Ngọc Sương, Anh hùng lao động – nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu – cũng được phong Anh hùng 2 lần, – đã bị tuyên án 8 năm tù vì tội "lập quỹ trái phép", làm thiệt hại cho quỹ công hơn 5 tỷ đồng.

Bà Ba Sương trước sau luôn phủ nhận cái tội ấy, nói rõ rằng đó là quỹ công khai, do tổ chức điều hành nông trường và đảng uỷ cộng sản của nông trường quản lý, chi cho cuộc sống bình thường của toàn nông trường, được hình thành từ thời bao cấp, sau khi nông trường được thành lập năm 1976. Vào thời kỳ ấy đâu đâu cũng có quỹ riêng, mang tên”quỹ đời sống",”quỹ tập thể",”quỹ cải thiện",”quỹ B",” quỹ dự phòng”…để đối phó với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn sau chiến tranh.

Theo nguyên tắc”bình đẳng trước pháp luật", tội giống nhau phải bị kết tội giống nhau, không thể xử nặng người này, nhẹ người khác, bên trọng bên khinh, xin nêu một trường hợp quỹ trái phép rất đặc biệt, hết sức đặc biệt.

"Quỹ trái phép rất đặc biệt" này ra đời rất kín đáo, không có giấy khai sinh hợp pháp của chính phủ, không có quyết định nào của nhà nước, cũng như cơ quan được giao quản lý quỹ này cũng không có giấy khai sinh hợp pháp. Đó là Ban Tài chính – Quản trị Trung ương đảng.

Quỹ mà cơ quan này quản lý rất lớn, lớn kinh khủng, nhưng không ai biết rõ lên đến bao nhiêu, trừ các nhân vật trong bộ chính trị và người cầm đầu cơ quan ấy là Trưởng ban tài chính – quản trị trung ương đảng, hiện nay là ông Nguyễn Quốc Cường, uỷ viên trung ương đảng. Chỉ biết chắc chắn quỹ ấy rất lớn, cực lớn, lớn hơn ngân sách của Bộ Quốc phòng, lớn hơn ngân sách của Bộ Nội vụ hay Bộ Công an, càng lớn hơn rất nhiều ngân sách của Bộ Giáo dục hay Bộ Y tế của nước Việt Nam.

Tôi được biết việc này một cách ngẫu nhiên, trên chiếc chuyên cơ Il-18 cuối năm 1975, khi ngồi trong buồng VIP cùng vợ chồng ông Hoàng Quốc Thịnh, trước kia là bộ trưởng Bộ Nội thương, lúc ấy là trưởng ban Tài chính – Quản trị trung ương đảng. Vốn có tính tò mò của nhà báo tìm hiểu nhiều chuyện lạ, tôi gợi ý để vợ chồng ông Thịnh tự kể về biên chế, trách nhiệm, công việc rộng lớn, quan trọng, cực kỳ ghê gớm của cái ban siêu đẳng này.

Chuyện rất lạ, lôi cuốn, để đến nay sau hơn 30 năm, tôi còn như nghe lại rõ giọng nói như khoe của ông Thịnh, và thỉnh thoảng lời nhắc, thêm”dấm ớt" của bà Thịnh, vì bà cũng là cán bộ cao cấp – hàm thứ trưởng – của cái ban siêu đẳng này. Bà cho tôi biết ”chị Nguyễn Khánh cũng là cán bộ cấp cao, vụ trưởng vụ kế toán của Ban"; chị Nguyễn Khánh đây là vợ ông Nguyễn Khánh, lúc ấy là phó thủ tướng, 1 trong 8 phó thủ tướng khi ấy.

Ông Thịnh kể cho tôi, rằng” phụ giúp trong trách nhiệm nặng nề của ông có 9 phó ban, đều hàm thứ trưởng, mỗi phó ban đảm nhận một phần việc: tài chính – ngân sách – kế toán của ban; bất động sản của đảng: nhà cửa, trụ sở, nhà khách, nhà nghỉ, đất đai, rải ra khắp nơi, tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Vũng Tàu…; các cở sở kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, thủ công nghiệp, xuất nhập khẩu, tuyên truyền, văn hoá riêng của đảng. Quan trọng nhất có những thửa ruộng đặc biệt trồng cây thuốc phiện ở Lạng Sơn, Lai Châu; những thửa ruộng trồng lúa nếp cái hoa vàng, lúa tám thơm ở ngoại thành Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình; trại nhãn và nuôi ong ở Hưng Yên; các cửa hàng cung cấp đặc biệt, bán hàng riêng cho uỷ viên trung ương, ban bí thư và bộ chính trị; toà soạn tạp chí Cộng sản, toà soạn báo Nhân Dân, toà soạn báo Tiền Phong của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự Thật, Nhà in báo Nhân Dân; các trường Nguyễn Ái Quốc từ huyện, tỉnh đến trung ương), hệ thống giao thông vận tải của đảng (các bãi xe, xưởng sửa chữa, ôtô, xe tải, tàu thuyền, môtô của đảng).

Lại có riêng một vụ chuyên trách về hoạt đông kinh tế – tài chính của đảng ở nước ngoài, thu nhập và gửi tiền ngoại tệ của đảng, góp vốn đầu tư của đảng, quản lý tiền chứng khoán của đảng ở nước ngoài. Ngoài ra còn có một vụ nữa chuyên trách về quan hệ, giúp đỡ các đảng cộng sản các nước còn hoạt động bí mật, như trước đây có đảng cộng sản Thái Lan, Indonesia, Úc, New Zealand, Malaysia. Các đảng này đều có cơ quan đại diện bí mật ở Hà Nội trong thời chiến tranh…

Đây có thể gần như là một chính phủ trong một chính phủ, có đủ các ngành, với một ngân sách cực lớn, được san sẻ hầu hết từ ngân sách của nhà nước Việt Nam, nhưng hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ, nhất là hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của quốc hội, trong khi hiến pháp ghi rằng quốc hội là”cơ quan quyền lực cao nhất" của đất nước.

Ban tài chính-quản trị trung ương đảng gần như không bao giờ xuất hiện trong báo cáo của chính phủ, cũng không có trong các cuộc thảo luận ở quốc hội. Vậy mà nó là một tổ chức cực kỳ năng động, có chân rết khắp toàn quốc, trong đó có các ban kinh tế của tỉnh uỷ, huyện uỷ, quận uỷ đảng cộng sản.

Trong các cuộc họp đại hội đảng các cấp, Ban tài chính – quản trị trung ương cũng không được nhắc đến. Họ chỉ thường nói đến Ban kinh tế trung ương, chuyên nghiên cứu về đường lối chính sách kinh tế. Còn Ban tài chính – quản trị chính là cơ quan làm ăn, kinh doanh, đầư tư sinh lãi, quản lý của chìm của nổi, đất đai nhà cửa, biệt thự, khách sạn, vàng bạc, kim cương, châu báu, nhà máy, cửa hàng, trường học, nhà in, báo chí của đảng thì không ai biết hoạt động ra sao, chi thu thế nào. Mà vốn thì lại là lấy chủ yếu từ ngân sách nhà nước.

Thế của ban này cực mạnh. Bà Thịnh khoe: "Tôi gọi điện thoại cho Air Việt nam là có chuyên cơ ngay”. Ban này chiếm gần trọn trường Albert Sarraut cũ, rất rộng.

Đây là nền kinh tế ngầm, kinh tế chui, có thể nói là phi pháp, bất hợp pháp, nằm ngoài mọi sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của nhà nước, của nhân dân.

Nó thực sự quản lý một quỹ trái phép khổng lồ.

Sao lại kết tội quỹ trái phép ở nông trường Sông Hậu chỉ bằng con kiến, bỏ qua ngân sách trái phép của đảng lớn bằng con voi! Công bằng là ở đâu? Bình đẳng trước pháp luật là ở đâu?

Đã có ông hay bà đại biểu quốc hội nào chất vấn ông nhà nước về ngân sách và hoạt động của Ban tài chính quản trị trung ương đảng? Họ có xót sa về của cải, tài sản xã hội bị cắt xén và chi tiêu ngoài vòng pháp luật hay không? Đầu cơ ngoại tệ, đầu cơ chứng khoán, buôn thuộc phiện, cần sa, xuất nhập khẩu vũ khí, với giấy tờ đáng nghi, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao tại đây là chuyện thường xảy ra.

Nhân Vụ án bà Ba Sương, xin nêu lên một đại nghi án quỹ trái phép khổng lồ, để các vị luật sư, các nhà kinh tế, nhà chính trị nghiên cứu và nhận xét, giữa thời mở cửa và hội nhập, khi công khai và minh bạch, sống theo pháp luật trở thành châm ngôn danh dự và đạo đức của chế độ.

Bùi Tín viết riêng cho VOA
21/12/2009

http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-21-voa35.cfm

Chuyên mục:Bình Luận

Thân nhân bị can ở Đồng Nai kháng cáo

BBC

Thân nhân của một số bị can vụ "gây rối trật tự công cộng" và đốt trụ sở xã ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, bất bình trước bản án và nói họ muốn kháng kiện.

Phiên sơ thẩm xử 46 người tham gia vụ "gây rối" và đốt trụ sở xã hồi tháng 2/2009 đã kéo dài hơn 10 ngày tại Tòa án tỉnh Đồng Nai.

Hôm 11/12, tòa tuyên án với mức án từ 12 tháng tới 11 năm tù cho các bị cáo.

Những người này bị buộc các tội danh Cố ý làm hư hỏng tài sản, Gây rối trật tự công cộng, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, Trộm cắp tài sản, Chống người thi hành công vụ, Tiêu hủy tài liệu của cơ quan nhà nước và Xúc phạm quốc kỳ.

Bà Nguyễn Thị Thơ, thân mẫu ông Đào Quang Hùng (sinh năm 1957), người bị cho là cầm đầu vụ "gây rối" cho BBC biết ông lãnh án 5 năm tù giam.

Người em út của ông là Đào Quang Thịnh cũng bị bốn năm tù.

Bà Thơ nói gia đình muốn kháng kiện bản án mà bà cho là "quá bất công" và đã gửi đơn đi, nhưng không biết có đúng thủ tục hay không.

Trong khi đó, quá trình giải tỏa đất đai dường như vẫn đang tiếp tục.

Theo bà Nguyễn Thị Thơ, nhân viên địa chính tới đo đạc đất đai và đưa giấy cho dân ký. Tiền bồi thường cho đất ven đường như của gia đình bà là 35.000 đồng/mét vuông.

Bà cho biết: "Chúng tôi, toàn dân toàn xã, không ai ký hết cả. Nhưng không ký, họ vẫn cứ làm thôi."

"Tiền bồi thường không nhận thì họ bảo gửi lên Kho bạc. Chúng tôi bảo nhau, để lúc họ mang xe ủi đến giải tỏa, cứ ở trong nhà cho họ ủi luôn đi xem làm sao."

Hiện nhà chức trách đang tìm cách thu hồi đất đai để xây dựng dự án đô thị sinh thái kinh tế Long Hưng.

'Gây rối trật tự công cộng'

Dự án khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng có diện tích gần 305ha, đã được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai lập liên doanh đầu tư xây dựng.

Hôm 18/02, khoảng 200 người đã kéo tới trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Long Hưng, huyện Long Thành để phản đối việc giải tỏa cho dự án này.

Nguyên nhân trực tiếp làm vụ việc bùng phát là việc các nhân viên địa trác của Trung tâm Kỹ thuật địa chính Đồng Nai dùng sơn đánh số thứ tự trên bia mộ của dân để làm thủ tục giải tỏa mà không xin phép trước.

Vào buổi chiều cùng ngày, đám đông đã tràn vào trụ sở, chiếm toàn bộ tầng trệt, khống chế Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng.

Họ cũng đã có hành động chống lại công an bằng gậy, đá, xăng và đốt trụ sở cùng xe của cảnh sát, đồng thời bẻ gẫy cột cờ.

Thiệt hại ước tính 645 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ tài liệu của chính quyền giữ tại UBND xã.

Các khiếu kiện, tranh chấp về đất đai xảy ra thường xuyên ở Việt Nam, nhất là tại các địa phương thu hút lượng đầu tư bên ngoài vào lớn như Đồng Nai.

Điều đáng chú ý là đã có nhiều vụ bạo động tự phát trong quá trình giải tỏa, gây thiệt hại lớn.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091222_dongnai_appeal.shtml

Chuyên mục:Tin Tức

Ông Trần Anh Kim ra tòa 28/12

BBC

Nhân vật hoạt động dân chủ, cựu trung tá Trần Anh Kim, sẽ ra tòa tại Thái Bình ngày 28/12 tới vì tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo Điều 79 Bộ Luật hình sự.

Luật sư bào chữa cho ông Kim xác nhận với đài BBC thông tin này.

Luật sư Đặng Ngọc Phúc thuộc Đoàn Luật sư Thái Bình cho hay ông đã khước từ lời mời bào chữa cho ông Kim của gia đình ông, nhưng chấp nhận khi Tòa án Nhân dân Thái Bình chỉ định ông làm công việc này.

Ông Trần Anh Kim bị bắt hôm 07/07 tại nhà riêng ở thị xã Thái Bình, cùng ngày với thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung tại TP Hồ Chí Minh.

Sau đó ông bị khởi tố tội Tuyên truyền chống nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật hình sự. Cơ quan an ninh điều tra nói trong các hành vi chống đối của ông Trần Anh Kim, có việc "soạn thảo và phát tán trên mạng internet 85 bài viết có nội dung chống Nhà nước".

Ông còn bị buộc tội đã tham gia kích động khiếu kiện đông người tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và thường xuyên liên lạc với "phản động nước ngoài".

Theo luật sư Đặng Ngọc Phúc, việc thay đổi tội danh đối với ông Kim có thể là do trong quá trình điều tra cơ quan an ninh tìm ra được các chứng cứ mới gắn ông với tội danh nặng hơn là tội lật đổ.

Luật sư Phúc nói: "Tôi sẽ cố gắng căn cứ luật pháp để đấu tranh một cách tốt nhất cho quyền lợi của thân chủ tôi."

Gây dư luận

Thời gian gần đây, có nhiều thông tin, đồn đoán về phiên xử các nhà đối kháng, trong đó có ông Trần Anh Kim, về tội Lật đổ chính quyền.

Hôm thứ Hai 21/12, báo Công an Nhân dân đăng bài bình luận tựa đề 'Đừng tiếp tục biến mình thành con rối', đề cập tới các nhân vật "sắp phải ra tòa" trong "vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia".

Báo của Bộ Công an viết: " Những tên đầu têu Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung… sẽ ra trước vành móng ngựa và sẽ lĩnh những bản án thích đáng".

Báo này cũng nói vụ án là "một lời cảnh cáo đối với các thế lực thù địch đang có âm mưu và hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam".

Tội danh Lật đổ chính quyền có mức án cao nhất là tử hình.

Sinh năm 1949, ông Trần Anh Kim từng mang quân hàm trung tá, giữ chức Bí thư Đảng ủy quân sự, phó chỉ huy chính trị Ban quân sự Thị xã Thái Bình.

Ông là thương binh, đã được tặng thưởng nhiều huân huy chương.

Ông Kim cũng là thành viên Đảng Dân chủ Việt Nam (XXI) và còn là một trong các sáng lập viên phong trào đấu tranh dân chủ Khối 8406, phụ trách các tỉnh phía Bắc.

Cùng năm người khác, ông được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) trao giải thưởng Hellman/Hammett năm nay.

Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đều đã từng bày tỏ quan ngại về trường hợp của ông cũng như của một số nhân vật bất đồng chính kiến khác bị bắt mùa hè vừa rồi.

Hôm 19/08, truyền hình nhà nước Việt Nam phát đi đoạn băng, trong đó bốn nhân vật bị bắt, trong có ông Kim, nhận tội và "xin khoan hồng".

Hiện chưa được xác nhận chính thức, nhưng có thông tin rằng các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức cũng sẽ phải ra tòa cuối tháng này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091222_trananhkim_trial.shtml

Chuyên mục:Tin Tức