Trang chủ > Bình Luận > Tản mạn chung quanh cái Nhà thương thời XHCN

Tản mạn chung quanh cái Nhà thương thời XHCN

Nguyễn Vọng

Tôi nhớ năm tôi học lớp nhì ở Huế, buổi chiều tan học tôi đùa giỡn với bạn bị ngã xuống cái hố bên đường gãy tay. Về nhà tối hôm đó tay sưng vù đau nhức quá nên Dì tôi bảo “Thôi, con chạy qua Nhà thương lớn họ khám cho”. Tôi cuốc bộ với cánh tay đau từ trong thành nội qua nhà thương lớn phía bên kia sông. Đến nhà thương thì trời cũng đã khuya, tôi được một người đàn ông chẳng hiểu là bác sĩ hay y-tá đưa đi chụp phim rồi bó bột mà chẳng hỏi han truy vấn gì ngoài chuyện hỏi tôi tên họ để ghi vào sổ. Một tháng sau tôi trở lại để tháo băng, tôi nhớ có một chị y-tá đã đưa tôi ra vòi nước để chà giúp tôi cánh tay cáu bẩn đầy ghét, có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến nhà thương. Bây giờ, người ta không còn gọi là nhà thương nữa mà gọi là bệnh viện, cũng chẳng có gì sai nhưng cái ý nghĩa nhân bản không còn, ngày xưa người ta gọi bệnh viện là nhà thương có lẽ muốn hàm chứa cái ý nghĩa bệnh viện là nơi mà mọi con người ốm đau, bệnh tật đến đó đều được yêu thương chăm sóc như nhau. Bây giờ, hầu như không còn mấy ai nhắc đến 2 tiếng nhà thương nữa, lớp trẻ thì hoàn toàn không biết rằng có một thời toàn dân Việt Nam đều gọi Nhà thương thay cho Bệnh viện.

Khi người Pháp còn đô hộ nước ta nhà thương do họ lập nên để chữa bệnh cho dân ta hoàn toàn miễn phí. Bỡi vậy, mới có tên gọi là nhà thương thí. Chữ “thí” ở đây chỉ hàm chứa ý nghĩa là miễn trả tiền chứ chẳng có ý khinh miệt gì.

Dưới chế độ miền Nam tự do, bệnh viện vẫn hoàn toàn miễn phí và người dân vẫn còn gọi bệnh viện là nhà thương cho đến sau năm 1975 thì mọi chuyện liên quan đến bệnh viện đã thay đổi hoàn toàn. Trước tiên là tước đoạt, bệnh viện cũng là chiến lợi phẩm nên những trang thiết bị hiện đại đều được tháo gỡ đem ra Bắc, những chiếc giường lò xo nệm được thay bằng giường sắt vạt bằng gỗ, trải chiếu lác. Tại thành phố tôi, cái bệnh viện của chính phủ CHLB Đức xây dựng để chửa trị cho dân chiến nạn được dành riêng để cho cán bộ. Từ đó, trên toàn cõi miền Nam, bệnh viện dành riêng cho cán bộ CS được gọi là bệnh viện C, không còn chuyện bình đẳng ai đau ốm cũng như ai nữa, thuốc men, phương tiện được ưu tiên cho bệnh viện C. Bệnh viện dành cho quần chúng nhân dân thì có gì xài nấy, ai muốn có thuốc tốt thì có thể yêu cầu BS kê toa đi ra chợ trời. Bản thân tôi đã có một kinh nghiệm về chuyện này: năm 78 tôi phải nhập viện để cắt dạ dày, BS phẩu thuật bảo tôi ra chợ trời mua bộ dao mỗ và cuộn chỉ tiêu vì chỉ tiêu trong BV xấu và quá hạn xử dụng. Nhưng chẳng hiểu sao, hôm tôi mỗ vẫn bị khâu bằng chỉ khâu của BV, ngày xuầt viện về nhà vết thương chẳng chịu lành, cọng chỉ tiêu may bên trong chẳng chịu tiêu cứ lòi ra chỗ vết thương trong như con giun, tôi phải trở lại bệnh viện để cắt mối chỉ dài mười phân.

Trong thời gian nằm viện thấy cô y tá đến tiêm kim là tôi lạnh toát vì chích strepto đã đau lại thêm kim tiêm phải mài đi mài lại nhiều lần đùi nhây nên tiêm đau chịu hết xiết, mỗi lần tiêm như bị đánh gãy chân. Đó là cái thời đói khổ vĩ đại nên mới có cái cảnh sau mỗi ca mỗ, người nhà bệnh nhân bồi dưỡng cho y tá bác sĩ trong kíp mỗ bằng mấy cái phiếu đi ăn bún và hột vịt lộn ở căn-tin của BV vì tiền bồi dưỡng của BV trả cho y, bác sĩ mỗ ruột người cũng chỉ bằng tiền vá lốp xe Honda ngoài đường thôi. Những ngày tháng đó, tuy vậy, nhưng BV cũng không có cảnh chen lấn chật chội bỡi lẽ người dân còn bị cái hộ khẩu nó làm khổ, ở đâu thì ốm đau ở đó chẳng thể chạy loanh quanh. Người dân nông thôn rất muốn về bệnh viện thành phố để chữa trị dù phải tốn tiền năn nĩ chạy chọt vì họ quá sợ những ông y sỹ, bác sĩ trên núi về, ở thành phố dẫu sao cũng còn lại vài ông bác sĩ của “ngụy” chạy không lọt đành ở lại để được “lưu dụng” (hiểu nôm na là được dung tha cho làm việc lại!).

Nhưng sức chịu đựng cũng có hạn, nhà nước CS không muốn bị sập tiệm nên đành phải mở cửa ra thế giới bên ngoài và áp dụng cái gọi là kinh tế thị trường. Từ đây, bộ mặt của nhà thương biến đổi hoàn toàn. Tiền viện trợ đổ vào nhiều hơn nên BV cũng được xây lớn hơn, người bệnh phải trả tiền hoàn toàn, không tiền xin miễn vào. Bệnh nhân khi bước vào BV công việc đầu tiên là đóng tiền, chưa cần biết ốm đau nặng nhẹ thế nào, cứ đóng trước vài triệu đồng sau đó mới nói chuyện chữa chạy thế nào, hết ngang đâu đóng tiền ngang đó, khi xuất viện nếu còn dư BV sẽ trả lại. Đơn giản vậy thôi, kẻo bệnh nhân chữa bệnh xong bỏ trốn lấy ai thanh toán cho BV, nói chung, khi vào BV, trước khi đóng tiền thì chẳng được làm gì cả, đóng tiền xong hẳn tính! Tầng lớp bác sĩ, dược sĩ đời lên hương thấy rõ, không biết bác sĩ bây giờ khi tốt nghiệp có phải đọc lời thề Hypocrates như xưa nữa hay không nhưng cái khát vọng làm giàu nhanh thì thật là mãnh liệt. Tôi không dám có ý bôi bác ai nhưng cứ thử hỏi 10 người ngẩu nhiên ngoài xã hội xem họ có nói như vậy hay không. Cái thời “xuyên tâm liên” chữa bá bệnh đã qua từ lâu rồi, các công ty dược của VN cũng chẳng có khả năng bào chế ra thuốc gì, ngoại trừ nhập nguyên liệu để sản xuất nhượng quyền của các công ty dược nước ngoài, phần đông đều hoạt động phân phối cho các tập đoàn dược phẩm quốc tế, thuốc nhập về có thứ bán cao hơn giá gốc đến 300%, báo chí lâu lâu lại lôi ra nói cho vui thôi chứ chăng ai làm gì ai, ai còn lạ gì chuyện các công ty phân phối dược phẩm là sân sau của các loại quan chức lớn nhỏ.

Bác sĩ bệnh viện “thoải mái vô tư” kê toa cho bệnh nhân điều trị tại BV bằng các loại thuốc mà các công ty dược chào bán cho BV để cuối tháng nhận tiền hoa hồng, tiền này mới nhiều chứ lương mà “ kể dzô”, chưa kể thỉnh thoảng còn được công ty nước ngoài cho đi tham quan, nghỉ mát nước ngoài. Nói nhiều có khi bị cho là ganh tỵ (người ta học hành cực khổ 5,6 năm, giờ kiếm chút tiền mua cái nhà, sắm chiếc xe, có gì mà nhặng xị!), nhưng lỡ nói thì nói cho hết mà thôi. Người công nhân 10 tiếng đồng hồ chúi đầu bên máy chỉ nhận được 50 ngàn đồng đủ trả tiền khám bác sĩ trong 5 phút. Tôi thắc mắc chuyện lời thề của bác sĩ vì thấy bác sĩ ra trường không muốn về vùng quê mà chỉ chăm chăm chạy chọt, lo lót, năn nỉ ỉ ôi sao cho được về thành phố, thậm chí cố xin vào làm không lương trong BV, miễn sao cho có đủ thời gian để về mở phòng mạch tư. Về nông thôn làm gì, dân quê cũng bệnh tật như ai, nhưng bạc tiền thi làm sao bằng dân thành phố, biết chết đó nhưng không tiền thì cũng đành chịu chết chứ biết làm sao. Tôi đã thấy một trường hợp không tiền đành chịu chết ở BV Đà Nẵng, nằm cạnh giường người thân của tôi trong khoa tiết niếu là một bệnh nhân quê ở Nông sơn, anh bị suy thận, cứ mỗi 10 ngày anh phải chạy thận nhân tạo hết 800 ngàn đồng, khi tôi gặp anh thì anh đã chạy thận được 4 lần, vợ anh phải về quê để chạy tiền và còn lo làm để nuôi 2 con nhỏ, ở lại nuôi bệnh anh là đứa con gái mới 15 tuổi, anh cho biết 2 cha con không dám tiêu pha gì cả vì còn rất ít tiền trong túi, hằng ngày cả 2 cha con chỉ trông chờ vào khẩu phần ăn từ thiện của mấy Xơ và mấy Ni sư, đói no gì ráng chịu đựng. Anh tâm sự “không biết vợ tui về chuyến ni có chạy ra tiền không vì lúa má cũng chẳng còn bao nhiêu mà bà con thì ai cũng vậy, anh nghĩ nhà nông cái chi cũng trông vào hột lúa mà bán bao nhiêu lúa cho được triệu bạc.

Bệnh viện bảo bệnh tôi phải chạy thận như vậy suốt đời, mấy hôm ni nằm suy nghĩ tôi đã quyết định rồi, giờ tui còn miếng vườn mấy sào, bán đi cũng được 7, 8 chỉ vàng, nhưng chạy thận được vài tháng nửa rồi cũng hết, nhưng rồi sau nầy vợ con tui lấy chi mà sống, chắc kì ni vợ tui ra thì tui về nhà thôi, sống được ngày nào thì sống, chứ sao tui đành lòng để cho vợ con chết đói hay sao”. Anh nói rõ ràng quá, rành mạch quá, đơn giản vậy mà lột tả được hết cái tính chất phi nhân của cái xã hội nầy. Lần vào BV sau đó, đúng là tôi chẳng còn thấy anh nằm đó nữa, tôi không biết anh có sống được đến ngày mua được cái BHYT hay không. Tôi nói đến cái BHYT là bỡi ngày anh vào viện, cái BHYT chỉ mới dành cho cán bộ công nhân viên của nhà nước mà thôi, bây giờ nếu anh còn sống có thể anh gắng sức để có được cái BHYT, nhưng dẫu cho được như vậy thì vào BV anh cũng phải chịu trả một phần cho những dịch vụ gọi là “kỷ thuật cao” như vậy, nghĩa là anh vẫn phải ăn vào cái phần gạo của vợ con để được sống.

Gần cuối tháng 4, tôi viết bài nầy khi trong lòng vừa buồn vừa thất vọng khi nhìn tấm ảnh Cha Lý bị bịt miệng trước toà, tôi không hiểu vì sao những nhà lãnh đạo các nước phương Tây, Tổng Thống Mỹ lại có thể tay bắt mặt mừng được với những lãnh đạo tại Hà Nội, những người không còn nhân tâm đối với chính đồng bào của họ thì làm sao có thể hòa nhập vào xã hội tiến bộ, nhân bản của thế giới. Tôi buồn và thất vọng vô cùng.

Nguyễn Vọng
Một cư dân thành phố Đà Nẵng
(Một thoáng suy tư trước ngày 30/04/2009)

Chuyên mục:Bình Luận
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này