Trang chủ > Bình Luận > Phạm Tiến Dũng & Bỉnh Họt

Phạm Tiến Dũng & Bỉnh Họt

Huy Đức

Chẳng có gì ngạc nhiên khi cái chết trong trại giam của bị can Phạm Tiến Dũng, 36 tuổi, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi. Vụ “PMU 18” ầm ĩ là vậy nhưng sau 3 năm, phần “cáo buộc tham nhũng” chỉ mới kết thúc điều tra. Đặc biệt, cái chết của Phạm Tiến Dũng được tin là có ảnh hưởng tới phần tiếp theo của tố tụng.

Vụ PMU18: Bị can Phạm Tiến Dũng đã chết

Nhưng, có một câu hỏi cũng rất cần thiết vào lúc này: Nếu Phạm Tiến Dũng được tại ngoại theo đề nghị của gia đình để được điều trị ở một cơ sở y tế tốt hơn bệnh xá trại giam thì liệu anh có phải chết khi chỉ mới ngoài 30 như vậy?

Trong thập niên 90, khi ông Bỉnh Họt, một bị án trong vụ buôn lậu nổi tiếng xảy ra ở Kiên Giang, được tại ngoại để điều trị ung thư, một tờ báo đã điều tra và cho đăng một phóng sự ảnh về sự kiện ấy. Lập tức, ông Bỉnh Họt bị đưa trở lại trại giam và một Phó Chánh án Tòa Tối cao bị kỷ luật vì đã ký cho ông Bỉnh Họt hoãn thi hành án. Không lâu sau đó, ông Bỉnh Họt đã chết ở trong tù.

Về mặt báo chí, loạt ảnh về ông Bỉnh Họt được tự do đi lại trong thời gian thụ án tù là một phóng sự công phu và nó sẽ là một tác phẩm báo chí hay nếu cung cấp thêm thông tin về bệnh tình của ông Bỉnh Họt. Nhưng, vấn đề là Tòa án, thay vì giải thích với dư luận lý do nhân đạo của việc cho phép tại ngoại một người tù mắc bệnh thập tử nhất sinh thì lại đã đưa người bệnh ấy vào tù khi không cần thiết.

Tất nhiên, chỉ những quyết định hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc đạo lý và pháp lý, thay vì dựa trên tiền bạc, thì các quan tòa mới có thể thẳng thắn giải thích với công chúng về những quyết định dễ gây nghi ngờ như là hoãn thi hành án cho một tù nhân, thay đổi biện pháp ngăn chặn với một bị can, đặc biệt là bị can tham nhũng. Nhưng, thái độ của công chúng cũng có không ít vai trò. Nếu một người vừa mới bị công an bắt giam mà công chúng đã nghĩ họ là tội phạm ngay thì việc cho Phạm Tiến Dũng tại ngoại để trị bệnh cũng rất có thể bị cáo buộc là “thả tự do cho tham nhũng”.

“Không ai bị coi là có tội khi chưa có một bản án có hiệu lực của tòa”. Không chỉ công an, báo chí phải nhớ điều này mà dư luận cũng nên làm quen với nguyên tắc rất pháp quyền và văn minh đó.

http://www.blogosin.org/?p=957

Chuyên mục:Bình Luận
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này