Lưu trữ

Archive for 10/04/2009

Học Viện Hành Chính: Bao Giờ Cho … Hết “Lùng Nhùng”?

Tạp chí Pháp lý

Điều gì đã xẩy ra tại Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia HCM ? (7)

Tạp chí Pháp lý số 4/2009

Học viện Hành chính Quốc gia (nay là Học viện Hành chính) – được biết đến là cơ quan đào tạo cán bộ quản lý hành chính của Đảng và Nhà nước, nhưng hai năm trở lại đâ, tại Học viện này có những con sóng ngầm do con người tạo ra khiến dư luận không khỏi bức xúc đòi hỏi phải làm rõ để giữ trong sạch môi trường giáo dục. Trước hết là những thông tin về việc PGS.TS. Lê Chi Mai, Trưởng khoa Quản lý Tài chính công, Học viện Hành chính Quốc gia (HVHCQG) “biến” công trình tập thể thành sách riêng?! và những “lùng bùng” trong việc tổ chức đào tạo cao học đã được báo chí phản ánh từ tháng 6.2008. Và gần đây nhất là việc TS. Vũ Thị Nhài bỗng dưng bị loại khỏi danh sách trúng tuyển biên chế một cách khó hiểu.

Có hay không trù dập người giỏi ?

Năm 2008 báo chí đã có nhiều bài đăng tải về việc “thuổng” công trình nghiên cứu khoa học bằng cách sao chép các bài nghiên cứu của đồng nghiệp thành sách nghiên cứu của riêng của bà Lê Chi Mai ?! Cùng với đó là những sai sót trong khâu đào tạo cao học chuyên ngành tài chính – ngân hàng ở Học viện này. Tuy nhiên, cho đến nay, sự việc đã “được” chìm dần vào quên lãng ?!

Gần đây dư luận lại có dịp “ồn ào” khi gần đây tiến sĩ trẻ Vũ Thị Nhài – nữ tiến sĩ chuyên ngành tài chính – ngân hàng duy nhất của Khoa quản lý tài chính công – người đã được báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân biểu dương gương người tốt việc tốt, có nhiều công trình đồ sộ nghiên cứu về tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, viết nhiều sách nghiên cứu và giáo trình giảng dạy – đã không trúng tuyển trong đợt thi công chức của Học viện.

Được biết, tiến sĩ Vũ Thị Nhài là người đã đỗ đầu trong danh sách 43 ứng cử viên tham dự đợt xét tuyển này. Về chuyên môn và phẩm chất thì TS Vũ Thị Nhài hoàn toàn đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chuẩn. Bởi TS. Vũ Thị Nhài là một tiến sĩ trẻ có năng lực và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện. Đặc biệt chị còn là tiến sĩ duy nhất được đào tạo bài bản về chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi: có hay không sự trù dập cán bộ ?

Ai cũng hiểu chỉ vài người chưa hiểu

Khoa Quản lý Tài chính công của HVHCQG bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2003 đến nay cả Khoa có 23 cán bộ, giảng viên nhưng chỉ dạy một môn học Quản lý nhà nước về Tài chính. Môn học này cũng là điều chuyển từ khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế vốn đã có sẵn giáo trình. Mặc dù vậy, theo thông tin từ một số cán bộ Học viện cho biết PGS.TS Lê Chi Mai đã đề nghị Học viện cho thành lập một bộ máy hành chính của khoa gồm 1 trưởng khoa, 1 phó khoa và 3 trưởng bộ môn là những người không hề có bằng cấp chuyên ngành tài chính.

Năm 2007 Học viện ra thông báo xét tuyển biên chế, mặc dù TS. Nhài đạt đủ mọi điều kiện như đã nói ở phần trên, nhưng đến tháng 6 năm 2008, khi trao quyết định biên chế cho các thành viên trúng tuyển thì Tiến sĩ Vũ Thị Nhài lại… không có tên trong danh sách trúng tuyển. Cho dù Tiến sĩ Nhài là người xuất sắc nhất trong số đó. Khi sự việc “hi hữu” trên xảy ra, ngày 23.6.2008 Tiến sĩ Nhài đã gửi đơn lên Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng xét tuyển, Chủ tịch công đoàn nhưng nhận được lý do bị loại khỏi danh sách trúng tuyển khiến nhiều người “ngẩn ngơ” !

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Thao, phó khoa quản lý tài chính công cho biết, bà Nhài vi phạm nội quy do … tự ý ghi âm trong cuộc họp (?). Ông Thao cũng cho biết thêm, từ ngày về làm việc tại Khoa, tiến sĩ Nhài thường xuyên gây mất đoàn kết nội bộ, công tác giảng dạy chưa tốt, gây khó khăn cho sinh viên Học viện… Tuy nhiên khi phóng viên chúng tôi hỏi về các biên bản vi phạm của bà Nhài thì ông Thao không cung cấp được ?!

Trước những vấn đề trên, dư luận một lần nữa lên tiếng, bất bình trước những lý lẽ của lãnh đạo Khoa đưa ra. Cùng thái độ bức xúc ấy, PGS.TS Nguyễn Thu Linh – người được cho là nghỉ hưu non vì chống đối đã tỏ thái độ không đồng tình với quyết định của Hội đồng xét tuyển đối với trường hợp của TS. Nhài.

Có nhiều đóng góp, cống hiến trong công tác nhưng tiến sĩ Vũ Thị Nhài lại bị liệt vào thành phần chống đối… lãnh đạo.

Thêm một điều lạ lùng nữa là trong đợt xét tuyển biên chế của HVHCQG vừa qua, khoa Quản lý Tài chính công giới thiệu 4 người tham dự và đều thi đỗ nhưng chỉ được xét vào biên chế… 3 người. Theo bà Nhài cho biết, những người này đều chỉ có bằng đại học về Xây dựng, Luật, Khoa học xã hội & nhân văn đều không đúng với ngành nghề tuyển dụng. Tiến sĩ Vũ Thị Nhài chuyên ngành Tài chính-Ngân hàng mặc dù thi đỗ đầu nhưng do “bị mang án” của Khoa nên… không được xét. Mặt khác, theo Chỉ thị số 18/2000/CT-TTCP những trường hợp được xét tuyển phải có các điều kiện là: tiến sỹ hoặc thạc sỹ hay có bằng cử nhân xuất sắc; vị trí cần tuyển đúng với chuyên môn được đào tạo; đã có thực tế giảng dạy từ 1 năm trở lên. Với các điều kiện này thì TS. Nhài sẽ được xét tuyển mà không phải thi, giảng thử. Việc bắt TS. Nhài thi và khi đã công bố điểm đỗ cao nhưng lại loại ra khỏi danh sách thì thật là không hiểu nổi ?!

Vụ việc không thể “chìm xuồng”

Được biết trong HVHCQG hiện nay, đang dấy lên một làn sóng phản đối với quyết định của Hội đồng xét tuyển viên chức và những khuất tất còn chưa được làm sáng tỏ khác.

Một thày giáo Trưởng Khoa trong Học viện – người đã từng có thời gian công tác 20 năm tại đây – đã tế nhị xin được dấu tên tâm sự với chúng tôi: “Việc TS.Nhài không được xét biên chế trong đợt thi vừa qua là việc hết sức vô lý bởi TS. Nhài có đủ năng lực chuyên môn và có phẩm chất đạo đức tốt. Chủ tịch hội đồng xét tuyển không thể căn cứ vào những lý do không có thực để loại TS Nhài. Tôi thấy lý do “nguy hiểm nhất” khiến TS Nhài bị loại ấy là vì Nhài là TS trẻ trong Khoa Tài chính công – người duy nhất có học vị cao nhất mà lại đúng chuyên nghành vì thậm chí trưởng khoa này có bằng tiến sĩ chuyên ngành khác. Còn việc một vị PGS.TS chưa từng có quyết định chuyển ngạch từ nghiên cứu viên sang giảng viên và vẫn được hưởng thêm bậc lương sau khi trở thành PGS từ vài năm nay mà báo chí đã nhắc tới nhiều thì có lẽ Bộ giáo dục cần phải nhìn nhận lại. Đây là hành vi trắng trợn gian lận bậc lương và đã từng được đưa ra trong các cuộc họp của Học viện nhưng vẫn chưa được giải quyết !”.

Cũng cần nói thêm, trước những sự việc tai tiếng của Khoa quản lý tài chính công xảy ra giữa năm 2008 nhưng trong Báo cáo công tác xây dựng Đảng năm 2008 và phương hướng công tác năm 2009 của Học viện hành chính Quốc gia ngày 30/12/2008, Chi bộ Khoa Quản lý Tài chính công vẫn được xét tặng chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu trong năm 2008 đồng thời là chi bộ duy nhất đạt trong sạch vững mạnh trong 3 năm liền từ 2006 – 2008 (?).

Tiếp xúc với chúng tôi, TS. Vũ Thị Nhài tha thiết mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ những khúc mắc trong nội bộ Khoa để góp phần làm trong sạch vững mạnh Học viện. Một số nhà giáo tâm huyết của Học viện khi trò chuyện với chúng tôi đã rất buồn khi nói ra nỗi bức xúc của cơ quan mình. Học viện Hành chính Quốc gia là cơ quan đào tạo cán bộ quản lý hành chính của Đảng và Nhà nước lẽ nào lại để tồn tại những sai phạm như trên ?

Được biết, cuối năm 2008 đã có đoàn thanh tra vào cuộc, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có kết quả thanh tra vụ việc này …!

Nhóm phóng viên điều tra
Tạp chí Pháp lý

http://ykien.110mb.com/bai0711/bai090409.htm

Chuyên mục:Bình Luận

Cái nhìn thiển cận về tài nguyên thiên nhiên

Gia Minh

Gia Minh, phóng viên RFA
Nghe Phần Âm Thanh

Khẩu hiệu công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đưa ra khá lâu nay tại Việt Nam. Thế nhưng việc thực hiện hai quá trình lớn đó chủ yếu được tiến hành qua họat động khai thác những tài nguyên thiên nhiên có sẵn mang đi bán.

Giới khoa học cho rằng cách làm đó không bền vững và đang lãng phí bao nguồn khoáng sản quí giá của đất nước.

Xuất khẩu tài nguyên thô

Câu nói 'rừng vàng, biển bạc' hầu như khá quen thuộc với nhiều người Việt Nam, từ lớp trẻ mới bước chân vào ngưỡng cửa nhà trường cho đến những cán bộ tham gia các khoá huấn luyện chính trị cao cấp.

Hầu như các nguồn khoáng sản, tài nguyên quí giá của Việt Nam như dầu mỏ, than đá, titan… cho đến các lọai nông, lâm, thủy sản hầu như tất cả đều xuất thô chứ không qua chế biến công nghiệp cao cấp nhằm tăng tối đa giá trị gia tăng của mặt hàng.

Và trong suốt nhiều năm qua, các nguồn tài nguyên trên rừng, trong đất, dưới biển được khai thác triệt để nhằm mang lại nguồn thu mà chính phủ nói để sử dụng phát triển đất nước. Tuy nhiên hầu như các nguồn khoáng sản, tài nguyên quí giá của Việt Nam như dầu mỏ, than đá, titan… cho đến các lọai nông, lâm, thủy sản hầu như tất cả đều xuất thô chứ không qua chế biến công nghiệp cao cấp nhằm tăng tối đa giá trị gia tăng của mặt hàng.

Gần đây nhất, chương trình khai thác quặng mỏ bô xít được cho là chủ trương lớn của Đảng và chính phủ vào lúc này. Đơn vị chủ đầu tư kế họach khai thác cho rằng sẽ khai thác bô xít, sản xuất alummina và luyện nhôm ở khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên họat tưởng chừng mang tính công nghiệp hoá này lại bị các nhà khoa học cho là thiển cận.

Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên giám đốc Viện Hạt Nhân Đà Lạt đưa ra nhận xét về cách làm lâu nay của Việt Nam trong quá trình phát triển:

Tài nguyên để đấy thì chả sao cả, khuynh hướng trên thế giới cho thấy là việc moi móc đất đá lên bán thì cũ quá rồi. Chúng tôi nghĩ một nước công nghiệp hoá thì phải hiện đại hơn, còn bôxít cứ nằm đấy thì chả sao. Sau này con cháu mình khai thác chả có chuyện gì và sử dụng công nghệ tiên tiến thì làm cho có hiệu quả hơn. Nay thì một tập đoàn lớn của nhà nước làm việc này thì chẳng ra sao cả.

Vào hồi cuối tháng ba vừa qua, tờ Thanh Niên cho đăng bài viết của thạc sĩ Nguyễn Đình Xuân, ủy viên Ủy ban Khoa học- Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Việt Nam, với tựa đề 'Tài nguyên quốc gia hay tàn phá?' Tác giả đưa ra những con số cụ thể là một tấn quặng titan của Việt Nam khai xuất bán chỉ 400 ngàn đồng, tương đương chừng 25 đô la Mỹ. Trong khi đó nếu qua chế biến thì giá xuất khẩu sẽ gấp đến 100 lần. Ông này còn cho biết thêm cát trắng của Việt Nam xúc lên mang bán 10 đô la một tấn, tràng thạch nghiền sơ giá 300 ngàn, đá xuất khẩu tùy theo lọai từ 500 đến 800 đô la một tấn.

Tài nguyên khoáng sản không phải là vô tận

Tuy vậy các nguồn tài nguyên khoáng sản không phải là vô tận. Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Xuân thì có báo cáo nêu rõ là chỉ chừng ba năm nữa Việt Nam phải nhập than, và trong chừng 30 năm nữa thì Việt Nam sẽ không còn than. Hịên thời xuất khẩu than chính thức của Việt Nam chiếm 50% sản lượng của ngành. Tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản chiến hơn một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Xuân thì có báo cáo nêu rõ là chỉ chừng ba năm nữa Việt Nam phải nhập than, và trong chừng 30 năm nữa thì Việt Nam sẽ không còn than. Hịên thời xuất khẩu than chính thức của Việt Nam chiếm 50% sản lượng của ngành

Ngoài ra có một tình trạng mà ai cũng thấy rõ ràng là gạo xuất khẩu của Việt Nam so với nước lân cận Thái Lan thấp xa bởi chất lượng kém hơn.

Tất cả đều do sự thiếu vắng của những lọai công nghệ đủ cao để có thể tinh chế các tài nguyên có sẵn.

Nếu họat động xuất khẩu tài nguyên thô cứ tiếp tục như thế thì không thể nào có thể công nghiệp hoá, và hiện đại hoá theo như khẩu hiệu được nêu ra.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, tổng giám đốc Công ty Sông Hồng, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, cũng có ý kiến về họat động hướng khai thác tài nguyên đất nước như lâu nay:

Nếu dựa trên cơ sở chủ trương phát triển kinh tế dựa vào khai thác khoáng sản tài nguyên thì quá lạc hậu, không nói là ấu trĩ. Ví dụ như nước Nga giàu tiềm năng nhất về tài nguyên,khoáng sản mà có thể sử dụng chúng làm thay đổi quan hệ này khác, thế nhưng nay họ rất lúng túng trong cuộc khủng hỏang hiện nay; tức khoáng sản không phải là cứu cánh trong phát triển kinh tế hiện nay. Như Nhật Bản nước không có tài nguyên- khoáng sản mà họ phát triển thế nào?

Câu trả lời đã rất rõ.

Giấc mơ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Giới khoa học thì cho rằng họ không có đủ nguồn tài chính để có thể theo đuổi những nghiên cứu của ngành. Giáo sư Hồ Sơn Lâm, trưởng Viện Vật liệu ứng dụng tại Việt Nam cho biết:

Kinh phí không có nên chúng tôi chỉ làm nhỏ thôi, và chính chúng tôi phải tự tìm nên phải mất thời gian.

Một doanh gia tại Bến Tre là ông Trương Quốc Tỏan từng có sản phẩm túi tự hủy được chính các cơ quan chức năng trong nước trao giải thưởng, thế nhưng khi đi vay tiền để phát triển thì gặp khó khăn:

Tôi biết từ năm năm rồi, mà sản xuất đại trà thì phải lên máy móc. Muốn có máy móc thì tốn tiền mà đi vay thì không được nên tôi bỏ.

Nhiều người nước ngoài khi đến làm việc tại Việt Nam hoặc những ai từng tiếp xúc với người Việt đây đó trên khắp thế giới đều thừa nhận về trí thông minh, bản tính cần cù nhẫn nại của người Việt Nam. Và trong thực tế trên trường quốc tế, thuộc mọi lãnh vực đều xuất hiện những gương mặt xuất sắc là người Việt Nam. Thế nhưng sức mạnh trí tụê và những đức tính đưa đến thành công vẫn chưa được phát huy trong nước để giúp tạo ra các công trình khoa học ứng dụng vào mọi lĩnh vực cuộc sống để biến giấc mơ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành hiện thực.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Right-way-for-industrialization-and-modernization-in-vietnam-in-the-opinions-of-experts-with-sbs-04092009153922.html

Chuyên mục:Bình Luận

Tộc họ Đặng bàn giao tư liệu quý về Hoàng Sa cho Nhà nước

PV tổng hợp

Sáng 9/4, tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức cúng tổ tiên và hiến tặng tờ lệnh quý liên quan đến Hoàng Sa cho Nhà nước.

TS Nguyễn Đăng Vũ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã tiếp nhận tờ lệnh.

Tờ lệnh gồm bốn trang, mỗi trang dài 36cm, rộng 24cm chứa đựng nhiều thông tin quý, nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng mệnh triều đình đi lính Hoàng Sa không chỉ riêng ở huyện đảo Lý Sơn mà còn ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi.

Tờ lệnh này đã góp phần bổ sung và kết nối logic với hệ thống tư liệu quý cùng nhiều di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa, quần thể mộ lính Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… là những minh chứng sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ VN trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cũng đã trao cho tộc họ Đặng một phiên bản tờ lệnh (dài 1,5m, rộng 0,6m) đặt trong khung kính để ở nhà thờ họ – nơi cung cấp tài liệu gốc.

Mấy hôm trước có người mạo danh cán bộ văn hóa tỉnh đến nhà để chiếm đoạt sắc lệnh quý giá này nhưng bất thành.

***

Nội dung tờ lệnh (Bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Đức Toàn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

“Quan Án sát và Bố chánh tỉnh (Quảng) Ngãi làm việc cấp bằng này. Chiếu theo tháng trước tiếp được công văn của Bộ Binh, vâng sắc (triều đình) cho bộ ấy trước là phải thi hành việc tuyển chọn, trưng tập 3 thuyền, sửa sang bền chắc, đợi sẵn ở kinh. Các phái viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Nhân kính theo đó mà xem xét và tuyển chọn trong tỉnh 3 thuyền tốt, cùng với đó là các vật dụng được tu bổ vững chắc, lại chọn ra tên Võ Văn Hùng – đã được cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thạo đường biển để sung làm thủy thủ trên thuyền. Cốt yếu là phải chọn mỗi thuyền 8 tên, tổng cộng là 24 tên, cứ đến hạ tuần tháng ba thì thuận theo thời tiết mà đi.

Nay, nhân các việc đã xong xuôi, các phái viên đã đi lê thuyền đến; chọn thủy thủ giỏi mà Võ Văn Hùng đã tuyển chọn là bọn Đặng Văn Siểm có thể đảm nhận công việc lái thuyền. Nhân đấy mà cấp cho bằng này để đi một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo quân của phái viên và Võ Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công.

Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội.

Các người có trách nhiệm kê ở dưới đây. Vậy nên có bằng cấp này.

Trở lên là bằng cấp.

Đà công Đặng Văn Siểm người thôn Hoa Diêm, phường An Hải, huyện Bình Sơn và Dương Văn Định, người thôn Hoa Diêm theo đây mà thi hành.

Thủy thủ
Tên Đề – Phạm Vị Thanh, An Vĩnh phường;
Tên Sơ – Trần Văn Kham, An Vĩnh phường;
Tên Lê – Trần Văn Lê, Bàn An ấp;
Vũ Văn Nội,
Tên Trâm – Ao Văn Trâm, Lệ Thủy Đông hai tên
Tên Xuyên – Nguyễn Văn Mạnh, An Hải phường
Tên Doanh – Nguyễn Văn Doanh, Mộ Hoa huyện, An Thạch, Thạch Nhã thôn

Trương Văn Tài
Minh Mệnh năm thứ 15 (1834), tháng tư, ngày 15”.

***

PV tổng hợp

http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/841147/

Chuyên mục:Tin Tức

Chính phủ CSVN sẽ xem lại hiệu quả kinh tế bô-xít Tây Nguyên

Phương Loan – T.Lam

Kết luận hội thảo khoa học về các dự án bô-xít Tây Nguyên ngày 9/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tiếp tục triển khai thí điểm dự án Tân Rai trên cơ sở tăng cường giám sát. Riêng dự án Nhân Cơ, Chính phủ phải đợi có báo cáo tác động môi trường bổ sung mới có thể xem xét triển khai tiếp. Chính phủ cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch ngành bô-xít và đánh giá lại hiệu quả kinh tế của các dự án này. Việc có thêm các dự án bô xít mới phải chờ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) theo quy định của Luật môi trường hoàn thành.

Đại dự án bô xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều.

Đây cũng là kiến nghị của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật (VUSTA) cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giới chuyên gia độc lập trong các phản biện trước đó và tại hội thảo.

"Không phát triển với bất cứ giá nào"

Với 11 báo cáo khoa học và 23 ý kiến thảo luận, các đại biểu đã cùng mổ xẻ hiệu quả kinh tế, tác động môi trường – văn hóa – xã hội của các dự án bô-xít Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Không thể phát triển bằng mọi giá". Ảnh: Giang VT

Qua hội thảo, có thể thấy còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến chương trình bô-xít Tây Nguyên. Mặc dù việc nghiên cứu triển khai đã bắt đầu từ năm 1990 ở Tân Rai, nhưng sau mấy chục năm vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt, liên quan đến công nghệ, hiệu quả kinh tế và thị trường, Phó Thủ tướng nhận xét.

Ông Hoàng Trung Hải khẳng định, chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumina ở nước ta là đúng đắn và được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10. Việt Nam có nguồn tài nguyên bô-xít lớn, có tiềm năng để hình thành ngành công nghiệp khai thác, sản xuất alumina lớn.

“Tuy nhiên, không thể phát triển bằng mọi giá. Để phát triển thành công các dự án bô-xít, cần có giải pháp quản lý, thực hiện chặt chẽ và hiệu quả và không để tiềm năng này biến Tây Nguyên thành đói nghèo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

"Nếu lỗ thì nhất định không làm"

Nhiều đại biểu nghi ngại hiệu quả kinh tế của các dự án. Trong phần phản biện của TS. Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án Nhôm của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam chứng minh, dự án Tân Rai và Nhân Cơ sẽ không hiệu quả khi chỉ cần một trong những trường hợp sau thay đổi:

– Tăng thuế xuất alumin lên trên 5% (hiện nay theo quy định là 20%).
– Tăng phí môi trường > 15000 VNĐ (hiện nay theo quy định là 30000 VNĐ)/tấn quặng nguyên khai.
– Tăng phí hoàn nguyên phục vụ môi trường > 25000 VNĐ/tấn quặng nguyên khai (hiện nay theo quy định là 50000VNĐ/tấn quặng nguyên khai).
– Giảm giá bán alumin xuống dưới 5% so với giá dự báo của CRU (giá bán alumin bình quân giảm xuống dưới 310 USD/tấn) (giá hiện nay là 250 USD/tấn).

Ông Hoàng Trung Hải thừa nhận rằng, trong điều kiện hiện nay khó có dự báo chính xác, nhưng theo báo cáo của TKV với tư cách là chủ đầu tư, dự án Nhân Cơ khi đi vào hoạt động sẽ có lãi là 10,59%, dự án Tân Rai sẽ có lãi 12,45%.

Tuy nhiên, "nhiều ý kiến còn nghi ngại về hiệu quả của dự án nên sẽ giao Bộ Công thương đánh giá lại toàn diện 2 dự án, báo cáo Thủ tướng vì vấn đề bô xít được Thủ tướng đặc biệt quan tâm", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.

“Nếu lỗ thì nhất định không làm. Có người nói hiệu quả phải tính trên dài hạn, nhưng dù dài hay ngắn hạn cũng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế”, ông Hải cam kết.

Trước phản biện của các nhà khoa học về rủi ro kinh tế và tính khả thi của dự án đường sắt, Phó Thủ tướng cho rằng: Đây là vấn đề lớn cần được xem xét kỹ lưỡng. Dự án đường sắt Tây Nguyên – Bình Thuận hiện nay đang ở giai đoạn lập báo cáo đầu tư, còn nhiều vấn đề chưa rõ, cần xem xét trong cân đối chung tài chính và đầu tư quốc gia.

Nếu thực hiện đường sắt ảnh hưởng đến các tính toán kinh tế của dự án bô-xít thì phải làm lại và có giải pháp xử lý.

Điều chỉnh quy hoạch bô-xít theo hướng cập nhật dự báo

Trước yêu cầu của các nhà khoa học phải cập nhật và thời sự hóa quy hoạch ngành bô-xít trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, giá alumina trên thị trường sụt giảm mạnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ: Quy hoạch bô-xít được chuẩn bị trong điều kiện kinh tế thế giới, khu vực phát triển nhanh, nhu cầu nhôm tăng nhanh, do đó dự kiến sản lượng lớn quá tham vọng.

Đến nay, do khủng hoảng, các ngành đều phải xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch theo con số dự báo mới. Việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Nếu không điều chỉnh mà vẫn tiếp tục dự án thì sẽ không hiệu quả.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ xin tiếp thu và giao Bộ Công thương cập nhật lại với điều kiện hiện nay, nhất là phải có báo cáo môi trường chiến lược.

Đại diện nhà thầu Chalco (Trung Quốc) thuyết trình về công nghệ cho hai dự án. Ảnh: Giang VT

Theo ông Hải, các dự án bô-xít lớn đều trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị dự án. Với những dự án có sản lượng 1-2 triệu tấn alumina/năm, sẽ phải trình xin ý kiến Quốc hội.

Dự án Alumina Tân Rai và Nhân Cơ chỉ là các dự án thí điểm để tìm hiểu công nghệ, thị trường. Dự án Tân Rai đã được nghiên cứu từ những năm 90, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi về công nghệ, môi trường v.v. Dự án Nhân Cơ cần phải lập đánh giá tác động môi trường (ĐMC) điều chỉnh và trình duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về việc phát triển dự án theo tư duy ngắn hạn, nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng khẳng định, các dự án đều có quá trình chuẩn bị dài, và triển khai trong 30-50 năm.

Ông cũng thừa nhận, không chỉ với quy hoạch bô-xít, mà với nhiều ngành, quy hoạch của chúng ta chưa đáp ứng về đánh giá tác động môi trường chiến lược, do chúng ta chuyển từ phát triển không có quy hoạch sang phát triển có quy hoạch. Điều này được Phó Thủ tướng lí giải là do thiếu vốn lập quy hoạch cũng như cơ quan tư vấn để thực hiện.

“Quy hoạch vẫn đang là vấn đề bất cập của Việt Nam mà Chính phủ đang chỉ đạo chỉnh sửa. Hơn nữa, ta lại phải quy hoạch lại quy hoạch, vì nhiều quy hoạch chồng chéo, không cần thiết và dàn trải”, ông Hoàng Trung Hải cho biết.

Giám sát chặt chẽ quá trình triển khai 2 dự án thí điểm

Trước những quan ngại của các nhà khoa học về việc mất rừng, chiếm đất và chất lượng công nghệ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tăng cường giám sát, phải đảm bảo hiệu quả mong muốn.

Diện tích chiếm đất của 2 dự án thí điểm không lớn (Tân Rai chỉ chiếm 0,29% diện tích của Lâm Đồng và Nhân Cơ là 1,53% diện tích của Đắk Nông); số hộ phải di dân không nhiều, nhưng vấn đề tác động môi trường đối với diện tích còn lại, đất nông nghiệp và đất sinh hoạt cần tính toán kỹ, có giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Chủ đầu tư phải có kế hoạch lấy đất và hoàn thổ cụ thể để các cấp, các ngành thực hiện giám sát.

Nhà văn Nguyên Ngọc, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và nhiều nhà khoa học nghi ngại: Các nhà đầu tư đều nói những điều hay về xử lý môi trường, công nghệ nhưng trải nghiệm thực tế của Việt Nam lại khác. Vedan khi xây nhà máy cũng có những luận điểm để thuyết phục, nhưng DN tìm lợi nhuận là chính, trong khi năng lực kiểm tra, giám sát của ta quá yếu kém.

Nhà văn Nguyên Ngọc: "Chưa bao giờ có một chương trình, dự án về kinh tế – xã hội tạo nhiều quan tâm, gây nhiều lo lắng trong dân như vậy. Nếu dự án ở nơi khác, có thể có vấn đề kinh tế, môi trường phải tính toán, nhưng những quan tâm, lo lắng nhiều như hiện nay là bởi dự án ở Tây Nguyên, trên mái nhà Đông Dương, vùng đất có ý nghĩa đặc biệt". Ảnh: Giang VT

Chia sẻ mối lo trên, Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề quan trọng là khả năng thu xếp tài chính, cân đối hiệu quả kinh tế của dự án, tính nghiêm túc của việc triển khai thực hiện và cần giám sát chặt chẽ.

Mặc dù hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ không thuộc diện dự án phải chịu sự giám sát cấp Bộ (do công suất nhỏ, khoảng 600,000 tấn/năm) nhưng trước những quan tâm, lo lắng của dư luận xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu 5 Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các dự án này.

Về vấn đề văn hóa, bản sắc dân tộc, ông Hoàng Trung Hải ghi nhận quan ngại của các nhà khoa học, nghiên cứu rằng những giải pháp đưa ra chưa thật sự an tâm. Phó Thủ tướng khẳng định, vấn đề này quan trọng hơn hiệu quả kinh tế. Cần có giám sát chặt chẽ trong quá trình di dân, tái định cư, đền bù đất đai, đào tạo chuyển đổi nghề, di dân theo nhóm, bản làng v.v…

Kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã có thư gửi hội thảo.

—o0o—

Tiếp thu phản biện của các đại biểu tham dự Hội thảo, Chính phủ giao nhiệm vụ cho:

Bộ Công thương:

– Nghiên cứu đánh giá tình hình để điều chỉnh quy hoạch, phải thực hiện đánh giá với môi trường chiến lược theo luật định.
– Chủ trì và phối hợp cùng các bộ, ngành tăng cường quản lý khai thác khoáng sản, bô-xít.
– Thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ chứa bùn đỏ để giảm tác động môi trường.
– Kiểm tra tính toán hiệu quả kinh tế của các dự án, đề ra giải pháp đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Bộ Tài nguyên – Môi trường:

– Tăng cường thăm dò, đánh giá trữ lượng bô-xít.
– Phối hợp với các địa phương thẩm định quy hoạch đất, kế hoạch hoàn thổ cuốn chiếu, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất.
– Tham gia cùng Bộ Công thương triển khai quy hoạch mới, tính toán tác động đối với lưu vực sông Đồng Nai.
– Phối hợp cùng các địa phương giám sát xem xét việc thực hiện các cam kết môi trường của hai dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

– Giám sát việc thi công và chuyển giao công nghệ dự án.
– Phối hợp cấp đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giám sát di dân tái định cư, giám sát tác động môi trường văn hóa, dân tộc và để xuất các giải pháp triển khai.

UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông:

– Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, chủ trương của Đảng và Chính phủ cho bà con rõ.
– Cùng chủ đầu tư thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, quản lý mặt bằng, đền bù di dân tái định cư.

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV):

– Tiếp tục triển khai thí điểm dự án Tân Rai. Với dự án Nhân Cơ, phải đợi phê duyệt đánh giá môi trường bổ sung mới được triển khai.
– Thực hiện nghiêm túc quản lý khôi phục môi trường khai thác mỏ, giảm thiểu ảnh hưởng đến nông nghiệp, đảm bảo không lãng phí đất.
– Tính lại hiệu quả và cân đối tài chính của dự án. Khác với hai năm trước, bây giờ khi đồng vốn là cả một vấn đề, Tập đoàn phải cân bằng, bố trí vốn cho từng giai đoạn đảm bảo hiệu quả kinh tế.
– Lập thiết kế kỹ thuật cho hồ chứa bùn đỏ để thẩm định.

—o0o—

Phương Loan – T.Lam

http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/841067/

Chuyên mục:Tin Tức

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư tới Hội thảo về bô-xít

VNN

VietNamNet – Trong phiên khai mạc Hội thảo về vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên sáng nay (9/4), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đọc bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tôi được biết, hôm nay có cuộc Hội thảo về vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên do đồng chí Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.

Tôi cho đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng. Vấn đề này trước đây tôi đã từng nghiên cứu, tôi đã có thư gửi đồng chí Thủ tướng nhưng chưa được trả lời.

Tại cuộc Hội thảo quan trọng này, tôi mong các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội hãy nêu cao trách nhiệm trước dân tộc thảo luận một cách khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn để kiến nghị với Đảng và Nhà nước một chủ trương đúng đắn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên mà tôi cho là không nên khai thác.

Vì đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng.

Xin chúc các đồng chí mạnh khoẻ.

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2009
Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Khai thác bô xít Tây Nguyên: 3 vấn đề, 3 kiến nghị
"Không nên làm bô xít Tây Nguyên ào ào bằng mọi giá"
Triển vọng bô-xít Tây Nguyên – Tìm hiểu tại chỗ
Khai thác Bô-xít: Lợi ích kinh tế, hậu quả môi trường
Đại kế hoạch bô-xít: Lợi ích trước mắt, nguy cơ lâu dài

http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/840943/

Chuyên mục:Tin Tức