Lưu trữ

Posts Tagged ‘Hoa Kỳ’

Mỹ sẽ kiện Trung Quốc ra WTO

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay sẽ nộp đơn kiện Trung Quốc về việc chính phủ nước này trợ giá cho ngành công nghiệp xe hơi.
Các giới chức chính quyền cho hay Tổng thống Obama sẽ loan báo quyết định tại một chặng dừng chân trong cuộc vận động ở bang Ohio, miền tây nước Mỹ.

Tiểu bang trọng yếu trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới này là nơi có cơ sở lớn về sản xuất mà nhiều người đổ lỗi cho Trung Quốc đã làm suy yếu nền công nghiệp của họ.

Chính quyền Tổng thống Obama cho biết sẽ vận động đòi có biện pháp chống Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì Washington cho rằng Bắc Kinh đã trợ giá một cách bất hợp pháp cho các mặt hàng xuất khẩu trong các khu vực chế tạo xe hơi, và các linh kiện xe hơi.

Hoa Kỳ cho biết tập tục này gây bất lợi trong khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ và khuyến khích việc đưa các công ăn việc làm trong ngành sản xuất qua Trung Quốc.

Loan báo vừa kể được đưa ra giữa lúc ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romeny gia tăng những lời chỉ trích đường lối của Tổng thống Obama về Trung Quốc.

Cả hai ứng cử viên tổng thống đều biến Trung Quốc, nhất là các tập tục thương mại của nước này, thành một đề tài trong cuộc vận động tranh cử.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ kêu gọi ủng hộ nhân quyền ở Việt Nam

(Hình trên: Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ileana Ros-Lehtinen)
*
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, bày tỏ sự ủng hộ đối với Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 vừa được Hạ viện thông qua hôm 11/9 và kêu gọi cổ xúy dân chủ-nhân quyền cho người dân tại Việt Nam.
Dự luật do dân biểu Chris Smith đề xướng cấm tăng thêm viện trợ không có mục đích nhân đạo cho Việt Nam nếu Hà Nội không cải thiện tình trạng nhân quyền.

Phát biểu ủng hộ Dự luật này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, bà Ileana Ros-Lehtinen, nhấn mạnh:

“Người dân Việt Nam tiếp tục bị áp bức bởi những cai tù cộng sản, không thể thay đổi chính phủ hay được hưởng pháp quyền. Các cuộc bầu cử gần đây nhât hồi tháng 5 năm nay không tự do, không công bằng. Cũng như những người sống dưới chế độ Castro tàn nhẫn ở đất nước Cuba quê hương tôi, người dân Việt Nam là mục tiêu bị công an cư xử tàn bạo, chịu những điều kiện tù đày vô nhân đạo, và không được xét xử tự do, công bằng.”

Vẫn theo lời dân biểu Ros-Lehtinen, Mỹ không nên có các hoạt động mở rộng hợp tác giao thương với Việt Nam khi mà chính quyền Hà Nội vẫn đối xử tồi tệ với người dân, vi phạm nhân quyền của công dân.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi Hoa Kỳ không nên tưởng thưởng cho chế độ độc sản độc tài cho tới khi nào Việt Nam có tiến bộ đáng kể về nhân quyền. Bà Ros-Lehtinen nói tiếp:

“Chúng ta phải tiếp tục là ngọn hải đăng. Chúng ta không được thoái trừ cam kết của mình, phải đứng về phía những người bị áp bức, chứ không phải với những kẻ áp bức. Dự luật này sẽ dẫn đường cho chúng ta thực hiện điều đó.”

Lời kêu gọi của người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ được đưa ra hôm 11/9 khi Hạ Viện cùng lúc thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 và Nghị quyết 484 về Nhân quyền Việt Nam, một lần nữa nêu bật sự quan tâm về tình hình nhân quyền Việt Nam tại cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ.

Chia rẽ Mỹ-Trung về vấn đề Biển Đông vẫn tồn tại

(Hình trên: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói chuyện với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sau cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 5/9/2012)
*
Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã không thể thu hẹp được hố sâu cách biệt giữa hai cường quốc Mỹ-Trung về vấn đề Biển Đông dù đôi bên đều tuyên bố rằng các cuộc trao đổi nhân chuyến công du này là xây dựng và hữu ích.
Hoa Kỳ và Trung Quốc không đạt được đồng thuận về phương cách giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa các nước ở Biển Đông trong các cuộc hội đàm giữa người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ với giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh.Tại Trung Quốc ngày 5/9 trong chuyến thăm được cho là lần chót với tư cách Ngoại trưởng Hoa Kỳ trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào tháng 11 năm nay, bà Hillary Clinton đã có các cuộc tham vấn với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, cùng nhiều quan chức hàng đầu của chính phủ Bắc Kinh về tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Clinton tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhanh chóng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông thông qua tiến trình ngoại giao để giải tỏa căng thẳng ở vùng lãnh hải giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng này.

Ngoại trưởng Mỹ cũng bác bỏ các mối quan ngại ở Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang tìm cách kiềm hãm sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Bà Clinton khẳng định hai nước Mỹ-Trung đang nỗ lực hợp tác trong nhiều lĩnh vực thông qua các cuộc đối thoại về các vấn đề song phương và toàn cầu nhằm thu hẹp những cách biệt, bởi sự hợp tác Mỹ-Trung có vai trò hết sức quan trọng.

Bà Clinton nói: “Đôi bên có thể hợp tác về rất nhiều các lĩnh vực khác nhau nhưng không nhất trí về mọi thứ. Tôi cũng không mong là bất kỳ ai hình dung rằng hai quốc gia rộng lớn và đa dạng như Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có thể đồng ý với nhau về mọi chuyện. Nhưng điều mà hai bên đang làm là lồng ghép tầm quan trọng của sự đối thoại và hợp tác để khi cùng làm việc với nhau thì có lợi cho đôi bên, vượt qua những cách biệt.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ đồng thời nhấn mạnh rằng có được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông sẽ phục vụ lợi ích của tất cả các bên.

Trung Quốc đồng ý hợp tác để tiến đến một bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông để giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, nhưng không sửa đổi lập trường đòi chủ quyền tại vùng biển này.

Bắc Kinh vẫn nhất mực khẳng định rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc nói quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và trước sau như một. Ông Dương nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông với vô số bằng chứng lịch sử.

Về tranh chấp chủ quyền tại một số đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, ông Dương nói vấn đề này phải được thảo luận trực tiếp giữa các nước có liên quan trên cơ sở tôn trọng chứng cớ lịch sử, luật quốc tế, và phải được giải quyết qua các cuộc thương lượng trực tiếp và tham vấn hữu nghị.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói Trung Quốc và các nước ASEAN nên theo bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết hồi năm 2002 và cùng làm việc về một bộ quy tắc ứng xử. Ông Dương cho rằng đối với Bắc Kinh và các nước trong khu vực, Biển Đông là huyết mạch để trao đổi và mậu dịch. Vẫn theo lời người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, không có và sẽ không có vấn đề trong lĩnh vực này.

Tuy Hoa Kỳ và Trung Quốc còn các cách biệt tồn tại đặc biệt trong cách thức giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Trung Quốc đều cho rằng các cuộc hội đàm giữa đôi bên trong chuyến công du của bà Hillary Clinton tới Trung Quốc lần này là hữu ích và xây dựng.

Trong khi đó, truyền thông của nhà nước Trung Quốc vẫn không ngừng đả kích rằng Hoa Kỳ ‘can thiệp’ vào chuyện nội bộ ở Biển Đông. Ngày 6/9 tờ Hoàn Cầu thời báo tiếp tục đăng bài khuyến cáo rằng Mỹ sẽ thất bại trong sách lược kiềm hãm Trung Quốc. Tờ báo này nói nếu Hoa Kỳ tập trung sức mạnh quốc gia vào Đông Á và kiềm hãm Trung Quốc thì sẽ phải trả một giá rất đắt mà không thu được lợi ích gì.

Hoàn Cầu thời báo cũng lặp lại quan điểm của chính phủ Bắc Kinh rằng Trung Quốc muốn tiếp tục phát triển và giải quyết tranh chấp Biển Đông hợp lý với các nước có liên quan trực tiếp.

Nguồn: Indian Express, AP, AFP, Xinhua, Philippine Daily Inquirer, Global Times, ABS-CBN Xem chi tiết…

Trung Quốc không thay đổi lập trường về Biển Ðông

(Hình trên: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, 5/9/2012)
*
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tìm cách xúc tiến quan hệ chính trị và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại buổi gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh hôm thứ Tư.
Bà nói hai bên có dịp trao đổi những lĩnh vực đồng ý và không đồng ý một cách thông thoáng.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hy vọng Hoa Kỳ sẽ cưỡng lại chính sách bảo hộ thương mại, giảm bớt những hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, và ủng hộ chuyện cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Hoa Kỳ.

Trước khi gặp Chủ tịch Trung Quốc, bà Clinton có một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Bà nói ai cũng biết Hoa Kỳ thất vọng khi thấy Trung Quốc và Nga ngăn chận các nghị quyết mạnh mẽ hơn của Liên Hiệp Quốc đối với Syria.

Trung Quốc đồng ý hợp tác để tiến đến một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông để giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, nhưng không sửa đổi lập trường đòi chủ quyền tại vùng biển này.

Bà Clinton nói có được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông sẽ phục vụ lợi ích của tất cả mọi người nhưng bà bác bỏ tố giác của Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ có ý định kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á Thái Bình Dương.

Sau chuyến đi hai ngày tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ đi Đông Timor, Brunei, và dự hội nghị APEC tại Nga trước khi quay lại Washington.

Móng vuốt Trung Quốc

(Hình bên: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton)
*

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào cuối tháng 8 vừa qua cho biết, ngày 30/8, Ngoại trưởng Hillary Clinton bắt đầu chuyến công du đến sáu nơi: quần đảo Cook, Indonesia, Trung Quốc, Timor-Leste (còn gọi là East Timor hay Đông Timor), Brunei (ở Việt Nam gọi là Bru-nây) và Nga.

Đọc bản thông báo ấy, một số nhà bình luận chính trị không khỏi ngạc nhiên: Ủa, sao lại ghé thăm quần đảo Cook? Tất cả những nơi khác thì không sao. Người ta có thể hiểu được. Nhưng còn quần đảo Cook? Nó ở đâu nhỉ? Mà đến đó để làm gì nhỉ? Chi tiết phía dưới bản thông báo cho biết thêm: Bà đến dự cuộc hội nghị lần thứ 43 của Diễn Đàn Nam Thái Bình Dương (South Pacific Forum). Đến đây, lại thêm một ngạc nhiên nữa: Ủa, nhưng Diễn Đàn Nam Thái Dương là gì vậy cà?

Tôi sống ở Úc, vẫn thường nghe tên quần đảo Cook cũng như Diễn Đàn ấy nhiều lần, nhưng thú thực, tôi cũng không quan tâm mấy. Chỉ biết đó là một vùng đất và một tổ  chức rất nhỏ. Mà chúng nhỏ thật. Là một tổ chức liên chính phủ, được thành lập từ năm 1971, Diễn Đàn Nam Thái Bình Dương bao gồm các nước: Úc, Tân Tây Lan, quần đảo Cook, quần đảo Marshall, quần đảo Solomon, Micronesia, Niue, Kiribati, Nauru, Samoa, Palau, Papua New Guinea, Vanuatu, Tonga, Tuvalu (không kể Fiji đã bị tạm đuổi ra khỏi Diễn đàn vào năm 2009).

Ngoài Úc và Tân Tây Lan, tất cả các nước còn lại đều vô danh. Được biết nhiều, may ra, có Papua New Guinea. Đi máy bay từ Úc sang Mỹ, nếu chăm chú nhìn vào bản đồ trên màn ảnh trước mặt, người ta cũng có thể nhận ra được quần đảo Solomon. Hết. Mà thật. Trong số các nước ấy, chỉ có Papua New Guinea là tương đối lớn, với dân số 6 triệu người, trên một diện tích khá rộng, 462.840 cây số vuông. Nó được xem là quốc gia đa dạng về phương diện chủng tộc cũng như về phương diện văn hóa nhất trên hành tinh: có hàng trăm sắc tộc và có đến 841 ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, đó cũng là một quốc gia rất nghèo, thuộc loại nghèo nhất trên thế giới: Khoảng một phần ba dân số chỉ có thu nhập khoảng trên 1 đô la một ngày.

Ngoài Papua New Guinea, có năm quốc gia khác có trên 100.000 dân. Thứ nhất, quần đảo Solomon, tự trị từ năm 1976 và độc lập từ năm 1978, bao gồm cả hàng chục hòn đảo nhỏ, có dân số trên nửa triệu người. Thứ hai, Vanuatu gồm 82 hòn đảo với tổng diện tích trên 12.000 cây số vuông, có dân số trên 200.000 người. Thứ ba, Samoa, trước là thuộc địa của Tân Tây Lan, được độc lập từ năm 1962, chỉ có diện tích khoảng gần 3000 cây số vuông với dân số khoảng trên 180.000 người. Thứ tư, Tonga gồm 176 hòn đảo, nhưng chỉ có 52 hòn đảo là có cư dân; dân số chỉ khoảng trên 100.000 người. Thứ năm, Kiribati, với dân số khoảng trên 100.000 người, là quốc gia đầu tiên có nguy cơ biến mất trên trái đất do hiện tượng biến đổi khí hậu: tất cả các hòn đảo hiện nay họ đang sống có thể sẽ bị chìm dưới đáy biển. Tháng 6 năm 2008, chính phủ Kiribati đã chính thức xin Úc cho toàn bộ công dân của họ được quyền tị nạn nếu hiện tượng ấy xảy ra. Năm nay, họ bắt đầu thương lượng mua một số hòn đảo của Fiji để chuyển dân của họ đến ở.
Xem chi tiết…

Lực lượng tàu ngầm Việt Nam với cán cân lực lượng biển Đông

Việt-Long- dịch thuật tài liệu của Viện nghiên cứu quốc tế RSIS, Singapore.

Tuần này xường đóng tàu Admiralty của Nga hạ thuỷ và chạy thử chiếc tàu ngầm đầu tiên trong sáu chiếc lớp Kilô chạy diesel và điện, do Việt Nam đặt mua từ 2009. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong chính sách quốc phòng của Việt Nam nhằm tăng cường lực lượng hải quân dưới lòng biển khơi.

Hình bên: Sơ đồ bên trong tàu ngầm Kilo. defenseindustrydaily.com photo)

*

Theo kế hoạch, tàu này sẽ được giao cho Việt Nam vào cuối năm nay, sớm gần hai năm so với dự tính, theo đó Việt Nam sẽ nhận đủ sáu chiếc Kilo vào năm 2018.

Kế hoạch trang bị tàu ngầm này là kế hoạch mở rộng từ chương trình hiện đại hoá quân sự đầy tham vọng của Việt Nam từ giữa thập niên 1990.

Được loan báo vào năm 2009, kế hoạch này đã gây một làn sóng phấn khởi trong giới truyền thông Việt Nam về tác động đối với thế cân bằng lực lượng hải quân trong khu vực. Tuy thế, nhìn trên các khía cạnh số lượng cũng như hiệu năng chiến đấu, vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Tương quan lực lượng Việt Nam-Trung Quốc

Trước hết, về số lượng, hải quân Việt Nam không hy vọng gì có thể đuổi kịp lực lượng hải quân khổng lồ của Trung Quốc dựa trên thế mạnh vượt trội về kinh tế.

Trung Quốc có cả một hạm đội tàu ngầm khổng lồ sẵn sàng được phát triển thêm, gia tăng khoảng cách về số lượng không những với Việt Nam mà còn với những nước có tàu ngầm trong khu vực.

Về hiệu năng chiến đấu, lực lượng tàu ngầm của Việt Nam cũng chỉ tiến đến một khả năng chênh lệch đối với lực lượng hải quân Trung Quốc đang phát triển mạnh trên biển Đông.  Trung Quốc đã sử dụng tàu ngầm Kilo từ thập niên 1990, lực lượng tàu ngầm Việt Nam đối với họ không có gì là lạ.

Tuy vậy, những chiếc Kilo nhỏ bé nhưng lợi hại của Việt Nam cũng sẽ gây mối quan tâm cho các chiến thuật gia của hải quân Trung Quốc, trước đây chưa từng phải e dè khả năng chiến đấu từ dưới mặt nước của Việt Nam.

Dù sao chăng nữa, xét trên thế cân bằng quân sự, khả năng về tàu ngầm của Việt Nam cũng sẽ không gây nên một mối thách thức lớn cho lực lượng hải quân Trung Quốc vốn vẫn đứng hàng đầu trong khu vực.

klub-s
Hình bên:  Minh hoạ hoạt động của một hoả tiễn Klub-S 3m-14E – defenseindustrydaily.com photo)
*

Tương quan lực lượng Việt Nam- Đông Nam Á

Trước khi Việt Nam sắm tàu ngầm Kilo, hải quân các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã mua sắm những số lượng tàu ngầm ít hơn. Indonesia và Malaysia vẫn phải lo âu về sự yếu kém khả năng dù mới vừa nhận nhiều tàu ngầm, vì lãnh hải rộng lớn của họ. Đến năm 2018, Việt Nam với tất cả 6 chiếc tàu ngầm Kilo hoạt động sẽ được coi là lực lượng tàu ngầm lớn nhất của Đông Nam Á. Tuy vậy, có vẻ như các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ tiếp tục phát triển khả năng về tàu ngầm chỉ trong vòng thâp niên 2010 này.

Xem chi tiết…

2 người Trung Quốc bị cáo buộc tìm cách mua bí mật thương mại của Mỹ

Hai người Trung Quốc tại Hoa Kỳ bị cáo buộc tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của một nhà máy sản xuất vật liệu cách nhiệt Mỹ để lập một nhà máy cạnh tranh tại Trung Quốc.
Hai ông Ji Li Huang và Xiao Guang Qi đã ra trước tòa án liên bang tại thành phố Kansas, trong bang Missouri hôm qua.

Họ bị cáo buộc tìm cách mua với giá 100.000 đôla các bí mật thương mại nhà máy của Sedalia, là nhà máy ở Missouri chuyên sản xuất các vật liệu để bảo vệ các hệ thống đường ống công nghiệp của công ty Pittsburgh Corning.

Giới hữu trách Hoa Kỳ đã câu lưu hai người này tại khách sạn hôm Chủ nhật sau khi được báo cáo họ đem một túi tiền đến gặp một nhân viên nhà máy làm việc với FBI.

Công nhân này bị cáo buộc đã đồng ý cung cấp cho hai người Trung Quốc những thông tin mật về quá trình sản xuất vật liệu gọi là “kiếng sủi bọt”, một loại vật liệu mà nhu cầu đang gia tăng tại nước Trung Quốc đang công nghiệp hóa nhanh chóng.

Công bố của công tố viên nói rằng Huang và một người đồng lõa chưa bị truy tố, đã xâm nhập nhà máy hồi tháng 6 và dùng điện thoại di động quay video và chụp hình nhà máy.

Tháng sau đó, một quảng cáo việc làm được đang trên một tờ báo địa phương tìm một nhân viên có kinh nghiệm của Pittsburg Corning để lãnh đạo một dự án xây dựng loại kiếng sủi bọt tại một thị trường Á Châu.

Càng ngày Washington càng chỉ trích cách thức làm việc của Trung Quốc trong lãnh vực thương mại, trong đó có điều được gọi là sự gia tăng của các vụ công ty Trung Quốc đánh cắp tài sản tri thức và bí mật kinh doanh.

TQ ‘bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông’

Trong cuộc họp báo chung với bà Clinton vào chiều thứ Tư ngày 5/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hứa nước này sẽ bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông và rằng họ sẵn sàng làm việc về một bộ quy tắc ứng xử cho các tranh chấp trên vùng biển này.

“Tự do và an toàn hàng hải trên Nam Hải được bảo đảm,” ông Dương phát biểu trong cuộc họp báo tại Đại lễ đường nhân dân.

“Đối với Trung Quốc và các nước láng giềng của chúng tôi, Nam Hải thật sự là huyết mạch trong trao đổi hàng hóa và giao thương,” ngoại trưởng Trung Quốc quả quyết, “Hiện tại không có vấn đề gì ở vùng biển này và cũng sẽ không bao giờ có vấn đề [về tự do hàng hải] trong tương lai.”

Ông Dương cũng nhắc lại là Trung Quốc có ‘vô vàn chứng cớ lịch sử và pháp lý’ về chủ quyền của họ đối với Biển Đông.

Tuy nhiên ông cũng thể hiện sự lạc quan trước lời kêu gọi của bà Clinton về việc hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Nhắc lại chuyến công du mới đây của ông đến một số nước Đông Nam Á, ông Dương Khiết Trì nói rằng nước ông đã đồng ý ‘làm việc hướng tới thông qua một bộ quy tắc ứng xử’ trên cơ sở đồng thuận và nói rằng ông hy vọng sẽ có ‘thành công’ tại hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới tại Phnom Penh nhưng không nói rõ chi tiết.

Trước đó, Clinton đã nói tại Indonesia rằng bà muốn thấy bộ quy tắc ứng xử này ra đời trước cuộc họp thượng đỉnh mà Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tham gia.

Hủy cuộc gặp

Trong khi đó Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người được trông đợi sắp lên lãnh đạo Trung Quốc, đã hủy cuộc gặp đã hẹn trước với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mà không rõ nguyên do.

Hồ Cẩm Đào tiếp Hillary Clinton tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh

Hình bên: Nội dung của cuộc gặp giữa bà Clinton và ông Hồ chưa được tiết lộ cho báo chí.)

*

Cuộc gặp được dự trù vào sáng thứ Tư ngày 5/9 đã bị phía Trung Quốc báo hủy vì ‘những lý do không mong muốn về lịch trình của ông Tập’, một quan chức giấu tên của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết.

Bà Clinton hiện đang có chuyến thăm đến Bắc Kinh trong hai ngày. Trong ngày hôm nay thứ Tư 5/9 bà liên tục có các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và sẽ dự họp báo chung với ngoại trưởng nước chủ nhà Dương Khiết Trì vào cùng ngày.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có tiền sử hủy hẹn với các vị khách quốc tế để tỏ thái độ không hài lòng.

Trước đó, Clinton từng hứa sẽ đem một thông điệp mạnh mẽ đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc phải làm giảm căng thẳng trong khu vực xung quanh các tranh chấp chủ quyền biển đảo, theo hãng tin Anh Reuters.

Cũng trong cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng cố gắng giảm nhẹ việc phó Chủ tịch Tập Cận Bình không tiếp bà Clinton.

Ông bác bỏ ‘những phỏng đoán không cần thiết’. Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho biết ông Tập sẽ gửi thư cho bà Clinton và rằng bà có thể sẽ gặp ai đó cũng nằm trong thành phần chuyển giao quyền lực của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Clinton đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh để nói về những căng thẳng ầm ĩ trên Biển Đông trong thời gian qua.

Xem chi tiết…

Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ gây căng thẳng ở Biển Đông

(Hình trên:  Máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet và trực thăng SH-60 Seahawk của hải quân Mỹ trên tàu sân bay USS George Washington, phía sau là tàu khu trục USS John S. McCain (DDG-56) ngoài khơi bờ biển Việt Nam, tháng 8/2011)
*
Trung Quốc lại một lần nữa tố cáo Hoa Kỳ gây căng thẳng ở Biển Đông và đòi Washington đưa ra điều mà họ gọi là “một sự giải thích có tính thuyết phục” về chiến lược trục xoáy Á Châu hay đặt Á Châu làm trọng tâm.
Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc tố cáo như thế hôm chủ nhật (02-09-2012), hai ngày trước khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến thăm Bắc Kinh.Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland, trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì và các giới chức cấp cao của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày thứ ba và thứ tư tuần này, bà Clinton sẽ bàn về vấn đề Biển Đông và khẳng định lập trường của Hoa Kỳ là những vụ tranh chấp ở vùng biển này phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua các cuộc đàm phán đa phương, và dựa trên luật pháp quốc tế.

Bình luận của Tân Hoa Xã nói rằng trong khuôn khổ của chính sách Trục xoáy Á Châu, Washington đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở Á Châu Thái bình dương, bao gồm việc bố trí binh sĩ ở Australia, gia tăng hợp tác quân sự với Nhật Bản, và tăng cường quan hệ quân sự với một số nước Á Châu, nhất là với Philippines và Việt Nam, hai nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.

Bài viết của Tân Hoa Xã cho rằng nhiều hành động của Mỹ đã đi ngược với mục tiêu thăng tiến hòa bình và ổn định ở Á Châu Thái bình dương, và bằng chứng là tình hình an ninh khu vực đã xấu đi với việc căng thẳng leo thang hồi gần đây trong những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa.

Các nhà quan sát tình hình Á Châu, trong đó có giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Australia, cho rằng tố cáo của Trung Quốc không đúng sự thật vì tình hình Biển Đông đã bị căng thẳng khá lâu trước khi chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ được hình thành.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, một nhà nghiên cứu chiến lược ở Việt Nam cũng đã công khai tố cáo Trung Quốc là nước có “hệ thống nói dối lớn nhất hành tinh”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Bộ Công an, nói rằng về vấn đề Biển Đông truyền thông Trung Quốc đã “vẽ ra hình ảnh đất nước Việt Nam như một tội đồ, để lừa dối nhân dân họ, lừa dối quân đội họ và lừa dối thế giới.”

Ông Lê Văn Cương cho rằng “do bản tính bành trướng qua dữ dội và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, Trung Quốc không có đồng minh.”

Mỹ muốn Asean đoàn kết về Biển Đông

Hillary Clinton đi dạo ở Rarotonga, quốc đảo Cook

(Hình bên: Ngoại trưởng Mỹ Hillar Clinton đang có chuyến công du châu Á kéo dài 11 ngày)

*

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang kêu gọi các quốc gia đông nam Á hình thành một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, hãng tin Mỹ AP cho biết.

Clinton sẽ đến thủ đô Jakarta của Indonesia vào thứ Hai ngày 3/9 để bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với một kế hoạch của khối Asean để làm giảm căng thẳng bằng cách thực thi một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc đối với tất cả các phía có tranh chấp trên Biển Đông.

Tại Jakarta, nơi đặt trụ sở của Hiệp hội các quốc gia đông nam Á Asean, Clinton sẽ gây sức ép với khối để quyết tâm nói với Trung Quốc rằng nước này cần đồng ý một cơ chế chính thức giảm các nguy cơ xung đột ngắn hạn để hướng tới đạt giải pháp cuối cùng về các tranh chấp chủ quyền.

Bà muốn ‘củng cố sự đoàn kết trong khối Asean để tiến về phía trước’, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên trên chuyến bay của Clinton khi bà đang trên đường bay từ đảo Cook đến Indonesia.

Indonesia là nước đóng vai trò chủ đạo để tìm kiếm sự đồng thuận nội khối Asean sau khi khối này không thể thống nhất quan điểm về tranh chấp Biển Đông tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ở Phnom Penh hồi tháng Bảy.

Với các chuyến ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa sau đó, Asean đã thống nhất được một bản kế hoạch sáu điểm về vấn đề này.

Cũng theo vị quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên này thì Hoa Kỳ cảm thấy ‘khích lệ’ với bản kế hoạch 6 điểm này nhưng muốn nó được thực thi – nhất là việc sớm đưa ra các quy tắc ứng xử (COC) vốn vẫn dậm chân tại chỗ từ lâu nay.

Hoa Kỳ đã khẳng định họ có lợi ích an ninh quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và hy vọng vấn đề này sẽ có tiến triển trước một hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Đông Á mà Tổng thống Barack Obama dự tính sẽ tham dự vào tháng 11 tới.

Jakarta là chặng dừng chân thứ hai của Ngoại trưởng Clinton trong chuyến công du kéo dài 11 ngày đến 6 quốc gia châu Á.

Sau Jakarta, Clinton sẽ đến Bắc Kinh vào thứ Ba ngày 4/9 để tiếp tục bàn về vấn đề Biển Đông và một số vấn đề khác, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria và làm cách nào để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Hàn.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/09/120903_clinton_visits_jakarta.shtml