Lưu trữ

Archive for 29/03/2011

Tòa án Việt Nam sẽ xét xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ vào tuần tới

Ông Cù Huy Hà Vũ, người nổi tiếng với những vụ khởi kiện chính quyền, đã bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái vì tội 'tuyên truyền chống phá nhà nước'

Hình: Cù Huy Hà Vũ

Ông Cù Huy Hà Vũ, người nổi tiếng với những vụ khởi kiện chính quyền, đã bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái vì tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’

Phiên xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một trong những nhân vật tranh đấu nhân quyền nổi tiếng nhất Việt Nam, đã được ấn định vào ngày 4 tháng Tư.

Bản tin của hãng thông tấn Đức trích lời gia đình ông cho biết như thế hôm thứ Hai. Phiên xử lẽ ra đã được ấn định vào ngày 24 tháng Ba, nhưng vào giờ chót đã được hoãn lại.

Tòa án cho biết là quyết định hoãn phiên tòa là do yêu cầu của gia đình ông.

Theo bản cáo trạng ký ngày 17 tháng 2, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị tố cáo là ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Cáo trạng này nói Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã đăng nhiều bài viết và trả lời phỏng vấn của truyền thông quốc tế nhằm mục đích ‘bôi nhọ uy lực của chính quyền nhân dân, thực hiện chiến tranh tâm lý, âm mưu lật đổ chế độ và đòi một hệ thống đa đảng’.

Nếu bị tòa xét là có tội, ông có thể bị tuyên án tù từ 3 đến 12 năm.

Tin của DPA cho biết tại phiên xét xử, 4 luật sư được phép biện hộ cho ông.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ được nhiều người biết tiếng tại Việt Nam sau khi ông tìm cách kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để ngăn chận dự án khai thác bauxite do Trung Quốc điều hành ở vùng Tây Nguyên, nhưng đơn kiện của ông đã bị bác.

Tháng 10 năm ngoái, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ một lần nữa đệ đơn kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về một nghị định cấm dân không được khiếu kiện tập thể.

Ông Cù Huy Cận, cha của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, là một nhân vật thân cận của lãnh tụ Hồ Chí Minh, và là Bộ trưởng Nông Nghiệp đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập.

Nguồn: DPA, AP

http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-ha-vu-03-28-2011-118768734.html

Chuyên mục:Tin Tức

Các đại biểu vẫn đòi điều tra vụ Vinashin

Vinashin

Vinashin đang gặp khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài

Một số Đại biểu Quốc hội Việt Nam trong những ngày làm việc cuối tuần qua trong nhiệm kỳ đang chấm dứt vẫn lại khẳng định vẫn cần có điều tra của Quốc hội về vụ Vinashin.

Đại biểu Đặng Như Lợi, đại diện cho cử tri Cà Mau, được trích lời phát biểu:

“Tôi vẫn đề nghị như ý kiến trước đây của nhiều đại biểu nêu ra là thành lập Ủy ban lâm thời về vấn đề này.”

Nhiều đại biểu khác cũng ủng hộ ý kiến này.

Theo Thời Báo Kinh tế Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói Bộ Chính trị đã có kết luận nhưng kết luận được đưa ra khi Thanh tra Chính phủ vẫn chưa hoàn thành cuộc điều tra.

Một số đại biểu trong đó có đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc và Phạm Thị Loan cũng ủng hộ việc thành lập ủy ban điều tra độc lập của Quốc hội.

‘Thực hư’

Những người ủng hộ nói Thanh tra Chính phủ chỉ là cơ quan trực thuộc chính phủ nên không thể có tư cách độc lập như Quốc hội.

Đại biểu Phạm Thị Loan nói với BBC hôm 28/3 rằng cần phải có kết luận về Vinashin để đáp ứng đòi hỏi của cử tri.

Bà nói thêm:

“Quốc hội cũng cần có một cái giám sát cụ thể, cần có bộ phận đi sâu vào giám sát [vụ Vinashin] và có thông báo cho nhân dân để người ta biết thực hư như thế nào.

“Nói như hiện nay thì nhân dân người ta chưa thỏa mãn.”

Bà Loan cũng nói cách chính phủ xử lý vụ Vinashin làm cho những người lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân như bà đặt câu hỏi về sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Bà nói bản thân bà là chủ tịch và tổng giám đốc của một tập đoàn tư nhân và doanh nghiệp của bà đang gặp khó khăn để đảm bảo công ăn việc làm cho 2.000 nhân viên giữa lúc lãi suất tăng cao.

‘Ý chí của Đảng’

Bà Phạm Thị Loan, ảnh của Doanh nhân Sài GònBà Loan nói Quốc hội vẫn phải làm theo ý chí của Đảng Cộng sản

Ban Kiểm tra Trung ương Đảng trong tháng này cũng đã có quyết định về chuyện không có cá nhân nào bị kỷ luật.

Mặc dù có ý kiến cho rằng Quốc hội là cơ quan đại diện của dân và vẫn cần có điều tra riêng, bà Loan nói với BBC:

“Ở Việt Nam thì có một đảng lãnh đạo thôi nên ý chí cuối cùng là ý chí của Đảng.

“Quốc hội có muốn làm gì thì cũng phải trên ý chỉ đạo, đường lối của Đảng.

“Đảng mà bật đèn xanh cho Quốc hội cứ làm theo cách bình thường thì Quốc hội mới làm được.

“Nếu Đảng đã có kết luận gì khác thì đại biểu Quốc hội nếu muốn [điều tra] thì cũng khó.”

Cũng có tin cho đến hôm 22/3, hạn đăng ký ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đã chấm dứt nhưng con số người tự ứng cử trong cả nước không nhiều.

Truyền thông trong nước cho hay ở hai đô thị lớn nhất nước là thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ có vài chục người tự ứng cử.

Dự kiến cuộc bầu cử khóa 13 của Quốc hội Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 5 năm nay.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/110328_na_investigation.shtml

Chuyên mục:Tin Tức